Nghiêm cấm giấu dịch

Nghiêm cấm giấu dịch
TP - “Chúng ta làm không phải vì để quốc tế khen. Nghiêm cấm giấu dịch” - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói như vậy tại cuộc họp khẩn cấp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và Lở mồm long móng ngày 18-2. Virus cúm gia cầm biến đổi nhưng sẽ không tiêm đại trà.

> Tay không bắt… dịch

Virus nguy hiểm chiếm 30%

Theo Cục Thú y, đến chiều 18-2, dịch cúm gia cầm đã lan ra 11 tỉnh, thành trong cả nước. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết, tiêu hủy trên 34.200 con, trong đó đàn vịt chiếm tới trên 86%.

Ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Thú y cho biết, từ năm ngoái đến đầu năm nay, chủng virus 2.3.2 chủ yếu lưu hành ở các tỉnh miền Bắc, Trung và Tây Nguyên đã biến đổi (thành hai nhánh phụ là 2.3.2 - A và 2.3.2-B) nên chiến lược tiêm phòng vaccine năm 2011 đã có sự thay đổi.

Trong khi nhánh phụ 2.3.2-A, tỷ lệ bảo hộ của vaccine Re-5 (chủ yếu Việt Nam đang dùng, nhập từ Trung Quốc) trong phòng thí nghiệm khoảng 70%, còn virus nhánh phụ còn lại gần như không có kết quả.

Vì vậy, giữa năm ngoái, Bộ NN&PTNT đã cho dừng tiêm phòng ở các tỉnh khu vực trên và chỉ tiêm phòng ở các tỉnh Nam Bộ (virus lưu hành chủ yếu là nhánh 1, vẫn còn tác dụng).

Hiện virus nhánh B đã lưu hành chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc (hiện là 7 tỉnh), và chiếm tỷ lệ chiếm tới 30%. Bắt đầu phát hiện tại Nam Định, Thái Bình, thời gian sau đó đã có mặt ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Nghệ An, Thái Nguyên.

Theo ông Tô Long Thành, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư, dự báo đến cuối năm, biến chủng của nhánh 2.3.2 (cả loại A và B) đều tiếp tục lây lan, trong đó, loại nhánh phụ A có mức độ lan nhanh gấp 3 lần loại B.

Cùng đó, số tỉnh có nhiều chủng virus lưu hành (2-3 biến chủng) tiếp tục tăng, nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trên người cũng tăng lên. Tới đây, sẽ tăng cường giám sát sự phân bố của nhánh virus này, từ đó sẽ điều chỉnh diện tiêm phòng.

Ông Năm khẳng định, không lo ngại về nguồn vaccine Re-5: “Hiện lượng vaccine trong chương trình quốc gia chúng tôi vẫn đảm bảo, để tiêm bổ sung cho đàn mới nuôi, đàn hết miễn dịch ở ĐBSCL và đảm bảo vaccine tiêm bao vây cho vùng dịch mới xảy ra.

Ngoài 6 triệu liều trong chương trình quốc gia, loại vaccine Re-5 còn rất nhiều trong doanh nghiệp cung cấp cho các địa phương. Mặt khác, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo nhanh chóng nhập 50 triệu liều từ Trung Quốc trong thời gian tới”.

Không tiêm phòng vaccine đại trà

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, dù virus biến đổi, nhưng sẽ không triển khai tiêm đại trà, tránh lãng phí. Ở miền Nam chưa có chủ trương dừng tiêm vaccine; phổ biến là chủng virus nhánh 1, vaccine Re-5 vẫn còn tác dụng, nên vẫn sử dụng vaccine này như những năm trước.

Ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, phổ biến nhánh virus 2.3.2 - B, hiệu lực của vaccine là rất thấp, tiêm không có tác dụng. Còn 23 tỉnh, nhánh 2.3.2-A, nếu tiêm một mũi, tác dụng trong phòng thí nghiệm khoảng 70-80%, còn nếu tiêm 2 mũi hiệu lực bảo hộ của vaccine sẽ cao hơn.

“Chúng ta không thể trở lại chiến lược tiêm đại trà, nhưng những nơi cần thiết, đối tượng cần thiết, thì vẫn sử dụng. Với các tỉnh có loại B, trước mắt gia tăng cao nhất, nỗ lực thực hiện các biện pháp đồng bộ khi không có vaccine. Về lâu dài, riêng một số địa phương miền Bắc, thực hiện chiến lược giảm dần phụ thuộc vào vaccine”- ông Phát nói.

Bộ trưởng Phát cũng yêu cầu Cục Thú y tăng cường giám sát dịch tễ, lấy mẫu, phân tích, với số lượng lớn hơn để thấy rõ bức tranh sự phát triển của dịch bệnh.

Ông Phát nói: “Ở một số địa phương có xu hướng giấu dịch, ảnh hưởng uy tín của địa phương. Đây là quan điểm cũ, không phù hợp tinh thần chống dịch. Chúng ta làm không phải vì để quốc tế khen, mà vì người dân. Nghiêm cấm giấu dịch”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.