Nghịch lý thiếu giáo viên nhưng không được tuyển

Nghịch lý thiếu giáo viên nhưng không được tuyển đang diễn ra. Ảnh: Nghiêm Huê
Nghịch lý thiếu giáo viên nhưng không được tuyển đang diễn ra. Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Theo báo cáo của Bộ GD&ÐT, năm học 2018 – 2019 có 27 tỉnh thiếu giáo viên, có nhu cầu tuyển dụng nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới.  

Trong số các tỉnh này, Hải Dương đang là địa phương có nhu cầu tuyển giáo viên nhiều nhất là gần 4.000 giáo viên. Theo lý giải của tỉnh, năm học 2018-2019, tỉnh tăng 24.184 học sinh. Thái Bình cũng là địa phương có nhu cầu tuyển hơn 3.600 giáo viên trong năm học này vì số học sinh cũng tăng lên.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số lượng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông được các địa phương giao thêm để tuyển mới cho năm học 2018-2019: 34.242 biên chế. Bộ GD&ĐT cũng cho biết so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.730 người. Cụ thể mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS:10.143 người - đây là số giáo viên THCS thừa thiếu cục bộ ở trong một tỉnh và giữa các tỉnh/thành phố với nhau, còn toàn quốc vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS; THPT: 3.161 người.

Toàn quốc chỉ có 2/63 tỉnh/thành phố không thiếu giáo viên là Đà Nẵng, Đồng Nai; 21 tỉnh thiếu nhiều giáo viên (thiếu trên 1 nghìn trở lên), đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non, tiểu học là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Tiền Giang, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh...

Trong đó, Hà Nội là địa phương thiếu nhiều nhất, lên tới 12.681 giáo viên. Nhưng năm học này, Hà Nội được tuyển dụng 8.211 giáo viên. Trong đó giáo viên mầm non chiếm số lượng nhiều nhất, 2.893 người, tiếp đến là giáo viên tiểu học 2.613 người, giáo viên THCS là 2.475 người và giáo viên phổ thông là 230 người.

Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành như Krông Pắk (Đắk Lắk), Cà Mau, Hà Nội (Thanh Oai), Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.

Còn theo số liệu của Bộ Nội vụ, có 29 địa phương đề nghị bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2018 với tổng số là 40.447 biên chế. Tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung số lượng lớn nhất với trên 7.500 biên chế.

Xem giáo viên như viên chức là bất cập

Nghịch lý thiếu giáo viên nhưng không được tuyển dụng hiện nay đang khiến ngành giáo dục các địa phương dở khóc dở cười. Tại phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định việc tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương không loại trừ bất cứ ngành nào.

 Nghị quyết 39 của Chính phủ năm 2015 về tinh giản biên chế gắn với đổi mới cơ cấu. Đối với giáo dục y tế có tăng giường bệnh, tăng học sinh thì có thể tăng biên chế nhưng phải kiểm soát chặt chẽ. Nhưng đến kết luận số 17 của Bộ Chính trị năm 2017 thì không có ngoại lệ. Kể cả giáo dục có tăng học sinh, tăng trường lớp thì vẫn tinh giản biên chế. 

Ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cũng chia sẻ thực tế, nếu giảm 10% biên chế sự nghiệp thì ở Cà Mau 1 năm phải giảm một trường học. Cả tỉnh chỉ có khoảng 2.000 biên chế của các ngành sự nghiệp khác trong khối nhà nước, ngành giáo dục có 18.000 biên chế,  ngành y tế có 6.000 biên chế. Nên không thể  giảm hết  các ngành khác cho đủ 10% theo yêu cầu. Cũng không thể không hợp đồng giáo viên vì có học sinh, có trường lớp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, phải có chế độ chính sách ổn định để giáo viên yên tâm làm việc đúng chuyên môn nghiệp vụ chứ không phải theo mùa vụ hay tiết học. Theo ông Nhạ, số lượng giáo viên mầm non, tiểu học thiếu rất nhiều do 3 năm gần đây không tăng biên chế, Bộ Nội vụ không giao cho các địa phương, các địa phương phải căn chỉnh, co kéo mới sinh ra hợp đồng. Ông Nhạ đề nghị phải giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, coi giáo viên như một viên chức rất bất cập nên có những giáo viên mới ra trường, chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu nhưng lại hưởng mức lương khởi điểm của viên chức, từ đó không tạo động lực để họ gắn bó và phấn đấu. “Chúng tôi rất muốn trong Luật Giáo dục tới đây sẽ thể hiện được vị thế của nhà giáo, khác với viên chức thông thường, từ đó mới tạo động lực cho đội ngũ này. Chúng tôi tiếp tục tham mưu cho chính phủ về giáo viên, kiên định quan điểm phải đảm bảo chế độ đãi ngộ cho giáo viên”, ông Nhạ bày tỏ quan điểm.

Còn về tuyển dụng, sử dụng giáo viên, ông Nhạ cũng cho rằng, theo phân cấp của chính quyền địa phương thì ngành GD&ĐT chỉ tham mưu còn chủ trì vẫn là ngành nội vụ. “Gần đây chúng tôi có tham mưu cho Chính phủ và Chính phủ có ban hành Nghị định thay thế nghị định 115, nâng lên một bước, nghĩa là ngành GD&ĐT chủ động về mặt kế hoạch còn việc tuyển dụng, sử dụng, bố trí vẫn là ngành nội vụ. Tới đây chúng tôi cũng chỉ đạo ngành GD&ĐT ở địa phương phải chủ động hơn nữa trong đề xuất tuyển dụng giáo viên. Tuy nhiên, vẫn vướng ở chỗ sử dụng nhưng không được trực tiếp chủ trì tuyển dụng. Đây là vấn đề chưa khắc phục được” - ông Nhạ nêu thực tế.

27 tỉnh đang thiếu giáo viên

Đó là các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Bình Dương, Trà Vinh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang,  Cà Mau.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.