Nghịch lý tại những khu chung cư nguy hiểm bậc nhất Thủ đô

TPO - Trong khi chính quyền Hà Nội liên tục cảnh báo nguy hiểm, yêu cầu khẩn cấp di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ cấp độ D thì người dân tại đây vẫn quyết bám trụ do còn đó những băn khoăn, điều này đặc biệt nguy hiểm khi mùa mưa bão tới.

Người dân cố bám trụ tại chung cư cũ nát

Từ năm 2016, Hà Nội bắt đầu lên danh sách các tòa chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp nghiêm trọng, trong đó cấp độ D là cấp độ buộc phải di dời dân khẩn cấp. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 4 năm, việc di dời các hộ dân ra khỏi nhũng chung cư nguy hiểm này vẫn chưa thể hoàn thành do còn nhiều vướng mắc. 

Thực tế, chính quyền vẫn cảnh báo nguy hiểm, còn người dân tại những khu chung cư này vẫn quyết bám trụ đến cùng, điều này đặc biệt nguy hiểm khi mùa mưa bão tới.

Nghịch lý tại những khu chung cư nguy hiểm bậc nhất Thủ đô ảnh 1 Người dân vẫn bám trụ tại các khu chung cư cũ nguy hiểm do còn đó những băn khoăn. Trong ảnh: Hai đơn nguyên tách đôi tại khu tập thể nhà A Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội).
Nghịch lý tại những khu chung cư nguy hiểm bậc nhất Thủ đô ảnh 2 Biển thông báo, cảnh báo, đề nghị di dời tại các chung cư cấp độ D.

Ghi nhận của PV tại các chung cư nguy hiểm cấp độ D trên địa bàn quận Ba Đình nhiều đơn nguyên đang trong tình trạng nghiêng, sút lún nghiêm trọng. Những mảnh tường, vừa bong tróc, xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Biển cảnh báo, kết luận nguy hiểm cấp độ D được treo ngay lối lên cầu thang. Tuy nhiên vẫn có nhiều hộ gia đình vẫn sinh sống, sinh hoạt tại đây bất chấp cảnh báo di dời.

Theo thông tin từ BQL Dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình (Hà Nội), trên địa bàn quận Ba Đình có 4 chung cư cấp độ D là Đơn nguyên 1,3 tập thể Bộ Tư pháp; Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; Đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công; Đơn nguyên 3 tập thể C8 Giảng Võ. Trong đó có 155 hộ cần được di dời. 

Ông Lê Trí Dũng-Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết đã có 2/3 số hộ trên đã di dời khỏi chung cư cấp độ D, 1/3 số còn lại còn nhiều vướng mắc như chưa đồng ý với kết quả điểm định cấp D của thành phố, hay chưa thể đi khi chưa biết "ngày về".

Nghịch lý tại những khu chung cư nguy hiểm bậc nhất Thủ đô ảnh 3 Cư dân G6A Thành Công mong muốn được kiểm định lại.
Nghịch lý tại những khu chung cư nguy hiểm bậc nhất Thủ đô ảnh 4 Lối cầu thang trong chung cư nhà G6A Thành Công.

Đơn cử tại chung cư G6A Thành Công, mới chỉ có 22/49 hộ đồng ý di dời tạm cư bàn giao lại cho quận, số còn lại không đồng ý với mức độ kiểm định của cơ quan chức năng. “Nhà A7 Tân Mai, dựng cột chống thép cả 5 tầng mà chỉ đánh giá ở mức C, còn nhà này không phải chống một thanh thép nào, cũng không một khe nứt nào thì treo biển cảnh báo cấp độ D, nên chúng tôi chưa tin vào kết quả kiểm định", một người dân bám trụ tại chung cư G6A chia sẻ.

Ngoài nguyên nhân mức độ kiểm định tại chung cư G6A Thành Công thì còn đó băn khoăn của cư dân về chính sách, tái định cư. Đơn cử tại chung cư C8 Giảng Võ, người dân ở đây đều có chung một mong muốn có câu trả lời từ chính quyền đó là khi di dời họ sẽ ở đâu, chính sách hỗ trợ cụ thể như thế nào?

"Không ai trả lời cho chúng tôi biết là đi bao giờ thì được về, cả tòa chung cư C8 Giảng Võ này có làm mới được không và bao giờ thì làm mới được", người dân sống tại đây bức xúc.

"Tôi mong muốn có chủ đầu tư về đây, đối thoại, thỏa thuận với người dân ở đây trước khi chúng tôi di dời để chúng tôi biết chúng tôi nhận được gì và bao giờ có thể trở về đây sau khi bàn giao lại chỗ ở", một người khác nói.

Cần sớm có được quy hoạch

Về những vướng mắc trên, ông Dũng cho biết BQL Dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình đã có văn bản đề nghị tổ chức thực hiện kiểm định lại đề theo nguyện vọng của người dân.

Còn đối với băn khoăn về chính sách, tái định cư, ông Dũng trả lời: "Quận Ba Đình đã có nhiều kiến nghị với thành phố liên quan đến việc duyệt quy hoạch, có quy hoạch mới thu hút được chủ đầu tư để thực hiện các dự án xây dựng khu chung cư này, cái quan trọng nhất là chủ đầu tư hiện nay đang chưa có được nên việc vận động gặp rất nhiều khó khăn".

Nghịch lý tại những khu chung cư nguy hiểm bậc nhất Thủ đô ảnh 5 Giàn thanh thép chống chịu lực tại chung cư C8 Giảng Võ.
Nghịch lý tại những khu chung cư nguy hiểm bậc nhất Thủ đô ảnh 6 Tập thể Bộ Tư Pháp tách làm hai, sụt lún nghiêm trọng.

"Ban đầu chưa có chủ đầu tư, thành phố có giao cho quận Ba Đình lập phương án hỗ trợ người dân di dời, sau này chủ đầu tư vào sẽ cải tạo, thỏa thuận trực tiếp với cư dân. Có quỹ nhà ở tạm cư để phục vụ việc di dời tuy nhiên vẫn vấp phải nhiều ý kiến của người dân trong khu vực trên", ông Dũng cho hay.

Được biết,  liên quan đến Đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, Bộ Xây dựng cho biết sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật nhà ở 2014 để tạo thuận lợi cho cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ thời gian tới.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 101 năm 2015 về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo hướng thông thoáng hơn, giúp doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình xã hội hóa xây dựng lại các khu chung cư cũ xuống cấp tại nhiều đô thị hiện nay.

Bộ cho rằng trong trường hợp cần thiết TP Hà Nội chọn 1-2 khu nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại để đề xuất Thủ tướng cho thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trong thời gian nhất định.

Về cơ chế đặc thù cho cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội theo Bộ Xây dựng cần lưu ý một số vấn đề như quy định hệ số bồi thường, tái định cư cho các hộ tầng 1 và từ tầng 2 trở lên áp dụng cho từng khu vực khác nhau.

Cùng với đó, TP Hà Nội cần quy định cụ thể phương án bố trí tạm cư tại khu vực dự án hoặc khu vực lân cận, bảo đảm thuận tiện trong sinh hoạt cho người dân trong quá trình cải tạo chung cư cũ…

Quy định thống nhất trình tự thực hiện dự án cải tạo chung cư cũ theo 3 bước lập quy hoạch chi tiết khu vực dự án, phê duyệt phương án bồi thường tái định cư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.

Đồng thời, giao trách nhiệm cho chính quyền cấp quận trong thực hiện giải phóng mặt bằng dự án thay vì để chủ đầu tư tự thỏa thuận với dân.

Cho phép thực hiện điều chỉnh quy hoạch khu vực nội đô để bảo đảm phù hợp với hiện trạng dân số hiện hữu tại khu vực dự án cải tạo chung cư cũ.

Trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội ban hành kế hoạch cải tạo lại nhà chung cư cũ; bố trí kinh phí kiểm định chất lượng nhà chung cư; tổ chức lập quy hoạch 1/500 các khu chung cư cũ cần sửa chữa, lập phương án bồi thường tái định cư; với các khu chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm cần tổ chức di dời dân, cưỡng chế phá dỡ để triển khai dự án xây mới lại…

Di dời khẩn cấp người dân ra khỏi những chung cư cũ cấp độ D

Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Văn bản 10549/SXD-PTĐT về việc bảo đảm an toàn tại các chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội trước mùa mưa bão. Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phân loại và lập danh mục những công trình chung cư cũ trên địa bàn, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đối với khu chung cư cũ nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho việc sử dụng; chủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án thực hiện việc phòng, chống đổ sập nhà, công trình, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi những khu vực không an toàn trước khi bão, lũ, úng ngập xảy ra nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và người sử dụng.

Đối với nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D (có nguy cơ sập đổ, phải di dời ngay), hiện trên địa bàn TP còn 5 nhà đang tổ chức di dời: 1 nhà tại quận Đống Đa, 4 nhà tại quận Ba Đình. UBND TP Hà Nội đã bố trí đủ quỹ nhà tạm cư để phục vụ di dời và đã chỉ đạo UBND các quận Đống Đa, Ba Đình khẩn trương tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, chủ sử dụng ra khỏi nhà chung cư cũ để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, đến nay, việc di dời vẫn chưa hoàn thành.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.