Xe hoạt động thưa thớt trong bến xe Yên Nghĩa. |
Hai năm trước, bến xe Hà Đông ngừng hoạt động để chuẩn bị xây chung cư, và thay thế bằng bến Yên Nghĩa nằm cách đó khoảng 4 km. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào hoạt động, bến xe khách lớn nhất thủ đô (rộng 7 ha, tổng đầu tư 80 tỷ đồng) với tòa nhà điều hành khang trang, sảnh chờ rộng rãi, hành lang cho khách ra xe có mái che vẫn lèo tèo xe và khách.
Chiều 28-6, trên khoảng sân rộng vài chục nghìn m2 có sức chứa hàng hàng trăm xe khách, chỉ có hơn chục xe nằm chờ, thi thoảng mới có xe rời bến. Sảnh chờ còn đầy ghế trống, hành khách thoải mái nằm dài nghỉ ngơi trong lúc đợi xe.
Lý giải thực trạng này, Giám đốc Trung tâm Quản lý bến xe Hà Nội Hoàng Vĩnh Long cho biết, sau 2 năm hoạt động, bến xe Yên Nghĩa có khoảng 300 chuyến xe khách mỗi ngày, phần lớn phục vụ người dân đi về các huyện thuộc khu vực Hà Tây cũ, còn xe đi ngoại tỉnh chưa nhiều.
"Bến xe nằm xa thành phố nên thích hợp với hành khách khu vực phía tây, khó thu hút khách ở trung tâm vì họ phải di chuyển xa bằng xe buýt hoặc xe máy. Trong khi lên xe buýt thì không được mang hành lý cồng kềnh nên rất bất tiện. Do đó, các doanh nghiệp vận tải cũng không mặn mà đưa xe vào bến", ông Long bày tỏ.
Trong khi đó, do nằm tại các vị trí thuận tiện trong vành đai 3 nên bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình luôn tấp nập xe ra vào. Hàng ngày, mỗi bến này có hàng nghìn lượt xe khách đi và về từ khắp các tỉnh, thành. Tại bến Giáp Bát, lượng xe lớn trong khi thiếu chỗ đỗ nên các xe tuyến Thái Bình, Thanh Hóa chỉ được đón khách trong bến 10-15 phút là phải xuất hành.
Do được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất ít được nâng cấp, trong khi nhu cầu đi lại của người dân gia tăng, lượng phương tiện lớn nên các bến cũ này luôn trong tình trạng quá tải, nhếch nhác, mất vệ sinh. Còn hành khách luôn bị phụ xe, xe ôm chèo kéo, chặt chém.
Hành khách thường bị phụ xe chèo kéo trong bến xe Giáp Bát. |
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, từ năm 2007, vì diện tích có hạn nên đã ngừng tiếp nhận thêm xe khách vào hoạt động, đồng thời đã sắp xếp thay đổi luồng tuyến, khu vực đón taxi, xe buýt, song chưa thay đổi được cảnh quan, diện mạo của bến.
"Bến xe được xây dựng kiểu cũ nên diện tích chỗ đỗ xe quá hẹp, thiếu chỗ bố trí dịch vụ cho hành khách như nhà hàng, khu mua sắm...", ông Thành nói thêm.
Còn Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung thừa nhận, việc quản lý chưa tốt nên các bến xe hiện hoạt động khá lộn xộn. Nếu tổ chức tốt, bến xe Giáp Bát có thể tiếp nhận thêm 100 xe, bến Gia Lâm mỗi ngày hiện có 450 xe, nếu xếp khéo thì có thể nhận thêm khoảng 200 xe nữa.
Ý tưởng cải tiến các bến xe văn minh, hiện đại đã được cơ quan quản lý bến xe Hà Nội đưa ra nhiều lần, song chưa thành hiện thực do thiếu kinh phí. Theo ông Trung, doanh nghiệp sẽ phải bỏ cả trăm tỷ đồng đầu tư bến xe song việc hoàn vốn rất khó, kinh doanh bến xe hiện nay rất khó có lãi. Chỉ có bến xe Yên Nghĩa được đầu tư xây mới từ nguồn ngân sách của thành phố.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, lãnh đạo đơn vị quản lý bến xe Yên Nghĩa cho rằng, nếu xe khách tuyến Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên được chuyển từ bến Mỹ Đình về Yên Nghĩa thì sẽ tăng lượng xe và hút khách đến bến này hơn.
Trong khi, theo Chủ tịch Hiệp hội bến xe khách Việt Nam Nguyễn Anh Dũng, bến xe Yên Nghĩa chỉ có thể hoạt động hiệu quả sau năm 2015, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoạt động.
Theo Đoàn Loan
Vnexpress