Nghĩa trang xây cạnh trường ĐH: Chọn nghĩa trang hay chọn trường Đại học?

Cột mốc ranh giới giữa đất quy hoạch nghĩa trang nhân dân, lò hoả táng của thành phố Sơn La và đất quy hoạch của trường Đại học Tây Bắc. Ảnh Nghiêm Huê
Cột mốc ranh giới giữa đất quy hoạch nghĩa trang nhân dân, lò hoả táng của thành phố Sơn La và đất quy hoạch của trường Đại học Tây Bắc. Ảnh Nghiêm Huê
TPO - Nếu UBND tỉnh Sơn La vẫn quyết định xây dựng nghĩa trang, lò hoả táng tại khu vực như đã quy hoạch, trường Đại học Tây Bắc đề nghị chuyển trường đến vị trí khác.

Dự án Xây dựng lò hỏa táng và nghĩa trang nhân dân tỉnh Sơn La tại khu vực Phiêng Khá, bản Buổn, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt ngày 5/12/2017. Đây là một nghĩa trang hỏa táng, nằm trong một thung lũng thấp, ở khu vực trung tâm thành phố Sơn La (cách trung tâm hành chính của thành phố hơn 4 km); cách ký túc xá trường ĐH Tây Bắc khoảng 700 m, cách Trường tiểu học Quyết Tâm 500 m, cách khu dân cư và Tiểu đoàn K4 Tỉnh đội Sơn La gần 200 m. Đặc biệt, cột mốc quy hoạch nghĩa trang chỉ cách cột mốc quy hoạch trường ĐH Tây Bắc một con ngõ nhỏ.

Mặc dù nhân dân các phường nói trên và trường ĐH Tây Bắc gửi hàng loạt đơn lên các cơ quan có thẩm quyền nhưng thành phố Sơn La và đơn vị trúng thầu (Công ty Phúc Lạc Viên) đã nhanh chóng tiến hành các bước thực hiện dự án như đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất, nộp tiền sử dụng - thuê đất... Đến hết năm 2019, mặt bằng công trình về cơ bản đã hoàn tất. Tuy nhiên, do có một số sai phạm trong quy trình phê duyệt, UBND tỉnh Sơn La đã cho dừng và hủy dự án để thực hiện lại từ đầu dự án Xây dựng Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La.

Dự án được làm lại nhưng UBND tỉnh Sơn La vẫn quyết định đặt nghĩa trang tại địa điểm cũ.
Quy mô của nghĩa trang là 40 ha, trong đó phần “lõi” hơn 19 ha. Việc xây dựng nhà hỏa táng và một phần đất mai táng sẽ được thực hiện ngay trong giai đoạn 1, tức là trong 2 năm 2020 - 2021. Tổng kinh phí đầu tư là 330 tỉ đồng. Dù trong các quyết định liên quan, việc mô tả phần giáp ranh chỉ ghi giáp núi đá, giáp bãi rác, giáp đất sản xuất... nhưng trong thực tế, khu nghĩa trang tương lai nằm lọt giữa các khu dân cư và nhiều đơn vị trường học như đã nói ở trên.

Trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là trường ĐH Tây Bắc, đặc biệt là khu ký túc xá của trường, nơi có 600 lưu học sinh Lào và hơn 1.000 sinh viên là con em các dân tộc của Sơn La, các tỉnh miền núi phía Bắc đang ở.

Trường ĐH Tây Bắc thành lập từ cách đây 60 năm, địa điểm ban đầu ở H.Thuận Châu, Sơn La; được chuyển về thành phố Sơn La từ năm 2007. Theo Bộ GD&ĐT, trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ ĐH và sau ĐH, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của khu vực Tây Bắc. Trường có quy mô 6.000 SV và có hơn 500 cán bộ, giảng viên.

Một nét đặc biệt của Trường ĐH Tây Bắc là có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào. Hiện nay, khoảng 600 sinh viên đến từ 9 tỉnh miền bắc nước Lào đang được đào tạo tại trường.

Theo TS. Đoàn Đức Lân, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Tây Bắc, khi được hỏi ý kiến, 100% cán bộ, giảng viên, đại diện Hội sinh viên của trường đều không đồng ý việc xây dựng nghĩa trang cạnh trường.

“Nếu tỉnh Sơn La vẫn tìm mọi cách để làm nghĩa trang cạnh trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà trường, thì chúng tôi sẽ đề nghị chuyển Trường ĐH Tây Bắc đi nơi khác”, ông Lân khẳng định.

Đồng thời, vừa qua, đã diễn ra cuộc họp tổng kết năm học 2019 - 2020 và bầu chọn Ban Đại diện Lưu học sinh Lào năm học 2020 - 2021 của Lưu học sinh Lào tại hội trường A2, Trường Đại học Tây Bắc. Tham dự cuộc họp đã có hơn 200 Lưu học sinh Lào đại diện cho hơn 600 Lưu học sinh đến từ 9 tỉnh Bắc Lào đang sinh sống và học tập tại trường. Trong cuộc họp, các lưu học sinh Lào đã có nhắc đến dự án xây dựng nghĩa trang, lò hoả táng gần trường ĐH Tây Bắc. Theo ban đại diện Lưu học sinh Lào, các lưu học sinh đã bày tỏ ý kiến phản đối và lo sợ đối với dự án này sẽ gây ảnh hưởng đến học tập, tâm lý, sức khỏe của lưu học sinh. Nên các lưu học sinh Lào mong rằng các cấp có thẩm quyền nên giải quyết vấn đề này một cách triệt để.
MỚI - NÓNG