Tri ân, chuyện tháng Bảy, Bài cuối:

Nghĩa trang Chăn Nưa, những điều chưa kể

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bác sĩ Trần Khắc Lộng, cựu TNXP Điện Biên Phủ, những người ngành Y gọi ông trìu mến: Ông tổ của ngành Bảo hiểm y tế Việt Nam. Ít người biết ông có tình cảm lớn với liệt sĩ TNXP ở Nghĩa trang Chăn Nưa (Mường Lay, Lai Châu), nghĩa trang riêng duy nhất về TNXP chống Pháp ở Việt Nam.

Lần đầu gặp bác sĩ Trần Khắc Lộng thật tình cờ. Tôi và anh Lê Trung Sơn, chủ tịch Hội cựu TNXP Thanh Hóa đến thăm nhà bác Lộng ở ngay gần nhà tôi, ven hồ Linh Đàm, Hà Nội. Anh Sơn bảo tôi: Đồng hương Thanh Hóa, cựu TNXP Điện Biên Phủ đấy. Rồi việc cuốn đi, chần chừ cho đến hôm nay.

Một hôm, tôi đọc bài Người đi tìm đồng đội của Lương Kim trong cuốn sách 60 năm TNXP Điện Biên Phủ anh hùng, nói bác Lộng là người có công đầu với đồng đội đã khuất ở Điện Biên Phủ để xây dựng nghĩa trang mới Chăn Nưa, Lai Châu. Mừng quá, tôi điện cho bác và hẹn gặp.

Nghĩa trang Chăn Nưa, những điều chưa kể ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Hằng, con gái liệt sĩ TNXP Nguyễn Thị Quế tìm thấy mộ mẹ ở nghĩa trang Chăn Nưa

Tôi thưa với bác về việc tôi đang biên soạn cuốn “65 năm TNXP Thanh Hóa anh hùng” và muốn nghe bác kể về công việc tìm lại đồng đội xưa. Bác vui vẻ kể:

“…Năm 1994 nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi trở lại chiến trường xưa, thăm lại con đường chiến lược Lai Châu - Ma Lù Thàng mà Đội TNXP 34 và 40 của chúng tôi đã có công khai phá, thăm lại những đồng đội tôi yên nghỉ ở Chăn Nưa.

Tổ quốc không quên những người có công. Tất nhiên là thế. Những liệt sĩ ở nghĩa trang TNXP Chăn Nưa hàng năm, ngày 27/7 hay ngày Tết đều được dâng hương. Nhưng dù sao có người thân ruột thịt dâng hương cũng là nghĩa cử để người đã mất được an ủi nhiều hơn.

Suốt mấy ngày đường, vừa đi vừa hỏi thăm, chúng tôi đã tìm được Chăn Nưa. Đứng trước những nấm mồ đồng đội, tôi lặng người, nước mắt trào ra. Sau 40 năm, đồng đội tôi nằm trong lãnh lẽo, cỏ cây che lấp tất cả những bia mộ. Không một chân hương, chỉ những cành tre khô khốc rào chắn nơi cổng nghĩa trang. Ai muốn vào thăm mộ phải trèo qua những mảnh tường đã vỡ… Trong tôi, một nỗi buồn trĩu nặng. Những nấm mồ không nguyên vẹn và cô quạnh. Đất khách quê người, không ai thân thuộc, không ai chăm sóc. Những tấm bia không còn rõ tên người. Máy ảnh không có, tôi vẽ sơ đồ đường đi, định mốc giới nghĩa trang, vẽ sơ đồ các hàng mộ, ghi họ tên theo từng mộ chí của 67 ngôi mộ ở đây mang về.

Về Hà Nội tôi phân tích 67 danh tính của các mộ thì có tới 27 huyện từ Hà Tĩnh trở ra đến Việt Bắc có TNXP hy sinh được đưa về nghĩa trang Chăn Nưa từ 40 năm trước. Tôi viết thư ghi rõ họ tên, địa chỉ của từng người gửi đến 27 huyện, 62 xã, đã thông báo đến các gia đình có con em yên nghỉ tại Chăn Nưa để họ tổ chức thăm viếng, làm các thủ tục di chuyển hài cốt về quê nhà nếu được.

Tôi đã bốn lần về Lai Châu, cùng địa phương giải quyết di chuyển nghĩa trang Chăn Nưa khỏi lòng hồ thủy điện Sông Đà, làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho đồng đội. Đến nay, nghĩa trang Chăn Nưa mới đã được công nhận là nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang TNXP duy nhất của thời chống Pháp.

Bác Lộng cho tôi xem nhiều ảnh tư liệu quý thời kỳ Điện Biên Phủ, những ảnh chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với Thủ tướng Phạm Văn Đồng…

Nghĩa trang Chăn Nưa, những điều chưa kể ảnh 2

Lễ cầu siêu cho các liệt sĩ tnxp ở nghĩa trang Chăn Nưa

Mảnh đất Hoa Lộc, Hậu Lộc Thanh Hóa nuôi bác Trần Khắc Lộng, và bác đã tri ân cho những linh hồn xứ Thanh, những liệt sĩ TNXP Điện Biên Phủ ở Chăn Nưa như thế. Từ y tá của Đội 49 TNXP Điện Biên Phủ, bác Lộng đã tự học đỗ vào trường Đại học Y - Dược Hà Nội, là cán bộ giảng dạy của Trường, nghiên cứu sinh y học tại Cộng hòa dân chủ Đức, người có công sáng lập ngành Bảo hiểm y tế và sau này là Tổng Giám đốc đầu tiên của Bảo hiểm y tế Việt Nam…

Nguyên là Phó Chủ tịch thường trực của Trung ương Hội cựu TNXP Việt Nam.

Tuổi gần 90, công việc vẫn theo người: Ban chấp hành Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Giáo dục sức khỏe cộng đồng Việt Nam… Vẫn một tinh thần thanh niên xung phong thuở ấy!

Tấm Huân chương Độc lập mà nhà nước trao cho bác đã nói lên, Đảng và nhà nước đã không quên công lao một cựu TNXP Điện Biên Phủ.

Nhưng sau khi cuốn sách 65 năm TNXP Thanh Hóa anh hùng ra đời được 2 năm, năm 2017, đại tá Hoàng Văn Đoàn điện cho tôi thông báo nhờ cuốn sách, trong đó có danh sách các cựu TNXP hy sinh được chôn cất qui tập về nghĩa trang Chăn Nưa, tôi đã tìm thấy mộ mẹ vợ tôi ở đó. Anh Đoàn kể: Chắc mẹ vợ tôi đã chọn tôi là người tìm ra mộ mẹ nhờ cuốn sách 65 năm TNXP Thanh Hóa anh hùng. Hôm làm lễ cầu siêu, hàng ngàn chim én đã bay lượn trên bầu trời nghĩa trang liệt sĩ TNXP ở Chăn Nưa, Mường Lay, Lai Châu. Dân kể hiện tượng chim én bay đầy trời như hôm lễ cầu siêu là chưa có bao giờ.

Tôi kể chuyện này với bác Trần Khắc Lộng, bác Lộng nói: Nghĩa trang liệt sĩ TNXP Chăn Nưa có nhiều chuyện đau lòng. Cụ Nguyễn Thị Quế, mẹ vợ đại tá Hoàng Văn Đoàn là người may mắn biết được họ tên và ngày mất chính xác và gia đình đã làm thủ tục chính sách liệt sĩ đầy đủ. Còn đến 16 ngôi mộ khác là vẫn chưa tìm ra tên tuổi cụ thể. Xót xa khi thời gian đã qua hơn nửa thế kỷ. Nhưng điều đau lòng hơn là trong 25 người chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ TNXP Chăn Nưa, nhiều người vẫn chưa có thủ tục công nhận liệt sĩ ở quê nhà. Tôi hỏi tại sao. Bác Lộng nói: Ở đây có nghĩa trang liệt sĩ, có cột trụ ghi TỔ QUỐC GHI CÔNG. Nhưng ở quê nhà, để làm chính sách phải có gia đình làm hồ sơ, phải có xác nhận của địa phương. Những người đi TNXP lúc ấy, còn rất trẻ. Hầu hết họ 17, 18 tuổi, chỉ ghi quê tỉnh Thanh Hóa hay Nghệ An, Hòa Bình… khi mất chưa ai có gia đình riêng. Sau mấy chục năm qua, thậm chí đến bố mẹ cũng đã mất rồi thì ai biết mà làm chế độ và làm chế độ cho ai hưởng khi mà không còn người thân.

L.T.L

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.