Hà Tú Anh. Tranh: Kim Duẩn |
Tuổi thơ xa cha mẹ và tinh thần tự giác học
Cha mẹ của Tú Anh đã và đang công tác trong ngành giáo dục. Cha của cô, ông Hà Tiến Sỹ, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên tỉnh Cao Bằng. Mẹ của cô, bà Tô Nga, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cao Bằng. Khi mới sinh Tú Anh, cả hai vợ chồng đều còn trẻ, họ được phân công dạy học ở xa nhà.
“Tôi đi dạy học ở một trường cách thành phố Cao Bằng 18 km. Đường đi khó khăn nên cả tiếng mới đến được trường học. 5 giờ sáng tôi đã phải đưa con lên nhà bà ngoại. Đến 5 giờ chiều mới từ trường về. 6 giờ chiều mới đến nhà và được gặp con. Chồng tôi dạy ở huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, còn xa hơn tôi. Con ở với bà từ nhỏ, bà đưa đón con đi học bằng xe đạp. Tú Anh biết khổ từ bé rồi”, bà Tô Nga kể.
Dù bố mẹ đều là giáo viên song họ không có nhiều thời gian dành cho con: “Con tự học là chính, từ nhỏ đã tự giác, không để bố mẹ giục. Tôi cũng không cho con đi học thêm. Thế mà con vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi, riêng môn tiếng Anh, môn tự chọn, từ lớp 3 đến lớp 5, lúc nào con cũng đạt điểm 10. Đến lớp 6 con thi học sinh giỏi cấp thành phố môn tiếng Anh và giành giải nhì, lên lớp 7 con giành giải ba môn tiếng Anh cấp thành phố. Vợ chồng tôi không khá ngoại ngữ nên cũng không hướng dẫn, chỉ dạy được gì cho con. Một hôm, cô giáo dạy tiếng Anh trong trường con đang học, cũng là bạn học phổ thông của tôi nhắc: Con bé khá môn tiếng Anh lắm, con có nguyện vọng thi chuyên Anh không? Nếu có thì cần cho con đi học thêm. Tôi về hỏi con. Con bé trả lời, nó muốn vào chuyên Anh. Cuối năm lớp 7 đầu năm lớp 8, lần đầu tiên tôi cho con đi học thêm”, bà Nga chia sẻ.
Năm lớp 9 Tú Anh giành giải nhất trong cuộc thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh. Đúng như mong ước, cô đỗ lớp chuyên Anh, Trường THPT Chuyên tỉnh Cao Bằng. Ở miền biên viễn, cơ hội để học tốt môn ngoại ngữ không rộng mở như ở miền xuôi. Tú Anh có bí quyết gì để chinh phục môn tiếng Anh? Bà Nga bật mí: “Tú Anh mua nhiều sách lắm. Mà cô giáo hướng dẫn cũng tâm huyết. Bởi lớp chuyên Anh 12 năm không có học sinh giỏi cấp quốc gia nên quyết tâm của cô trò càng lớn. Cô cho con ôn luyện riêng, sẵn sàng bỏ cả tiền túi mua tài liệu từ nước ngoài cho con học. Tôi cũng tốn không ít tiền để phô tô tài liệu cho con. Con ngấu nghiến đọc như người thèm cơm bị bỏ đói lâu ngày”.
Nhờ đam mê và cần cù, Tú Anh gặt hái mưa thành tích: Năm lớp 10, cô đoạt huy chương Bạc môn tiếng Anh của Trại hè Hùng Vương dành cho các Trường THPT Chuyên Khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Năm lớp 12, cô giành huy chương Vàng của Trại hè Hùng Vương. Cũng năm lớp 12, Tú Anh giành giải khuyến khích trong cuộc thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp quốc gia. Cô được tuyển thẳng vào Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành Ngôn ngữ Anh, năm 2020.
Tú Anh với bạn bè quốc tế, chụp hồi tháng 2 |
Tự quyết định con đường mình đi
Năm lớp 12 Tú Anh đã thủ thỉ với mẹ mấy mục tiêu của mình, trong đó có mục tiêu phải du học ở Mỹ. Cha mẹ cô đều làm trong ngành giáo dục nên hiểu chuyện, họ khuyên con nên hạ mục tiêu. Theo cha cô, con gái đi du học Thái Lan cũng được rồi. Nhưng Tú Anh nhất định không chịu.
Bà Tô Nga khuyên con gái: “Con cứ học xong Trường Đại học Ngoại ngữ đã. Sau đó, muốn du học ở đâu cũng được”. Tú Anh “vâng, dạ” song vẫn làm theo ý mình. Xuống Thủ đô chưa được bao lâu, cô đã xin mẹ 5 triệu đồng và đăng ký thi IELTS. Ngay lần thi đầu tiên cô đã đạt IELTS 8.0. Cô bắt tay vào công cuộc mở cánh cửa nước Mỹ. Nhưng để có tiền sống và học tập ở Thủ đô, cô cần phải đi làm. Tú Anh đi dạy thêm tiếng Anh, với thù lao 500 ngàn đồng/buổi: “Con kiếm được 20 triệu đồng/tháng, hơn thu nhập của bố, mẹ ở quê. Điểm số ở trường học của con vẫn tốt vì tôi theo dõi bảng kết quả học tập của con”, bà Nga kể. Nhưng bà không thể ngờ, hết học kỳ I năm đầu tiên, con gái của bà đã xin bảo lưu kết quả học tập, cô dành tất cả thời gian để chinh phục ước mơ du học Mỹ. Cô âm thầm tự quyết định dừng học ở Trường ĐH Ngoại ngữ. Sau đó, Tú Anh mới kể cho bố cô nghe “bí mật” của mình, mong ông ủng hộ quyết định của cô. Lúc này, ông đành ủng hộ con gái và báo với vợ về chuyện của con. Bà Nga khâm phục ý chí của con nhưng trong lòng không khỏi bồn chồn, lo lắng: “Nếu con không thể biến ước mơ thành sự thật thì con sẽ ra sao đây?”. Tú Anh hứa với bà, nhất định sẽ thành công.
Cô lao vào ôn SAT, bài thi chuẩn hoá để xét tuyển Đại học ở Mỹ. Tú Anh học qua nhiều kênh, trong đó có cả phần ôn luyện với thầy nước ngoài, do cô tự trả chi phí. Trong lúc ôn SAT, Tú Anh vẫn tranh thủ dạy thêm để đảm bảo chi phí sinh hoạt và học tập. Cô không muốn làm phiền bố mẹ vì hiểu rằng nghề giáo ở vùng cao nhiều khó khăn, dưới cô vẫn còn em nhỏ. Đến gần ngày thi SAT, Tú Anh khăn gói quả mướp vào TPHCM, cô nói với mẹ: “Các bạn, các em có bố mẹ đi kèm, chỉ mình con tự đi”. Bà Nga đáp: “Vì con thích thì con phải tự lập thôi”.
Món cơm lam của bà và ánh mắt trẻ thơ
Bà Tô Nga từng giữ vị trí Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng và giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật. Công việc của bà đã tác động đến con gái. Tú Anh yêu thương trẻ khuyết tật, cô có nhiều hoạt động thiện nguyện dành cho trẻ em nói chung, trẻ khuyết tật nói riêng. Tú Anh từng lập dự án The Wings Project, giúp đỡ trẻ em tự kỷ và khiếm thính ở Cao Bằng. Hồ sơ du học Mỹ của cô “ăn điểm” cũng nhờ những hoạt động thiện nguyện năng nổ và bài luận về món cơm lam của bà ngoại. Bà Nga kể: “Nhà mẹ tôi ở trên đồi, một căn nhà gỗ cũ kỹ, đằng sau có bụi tre. Mỗi khi tre non mọc lên bà lại ra chặt mang về nhồi gạo làm cơm lam cho cháu ăn. Món cơm lam gắn bó với tuổi thơ xa cha mẹ của Tú Anh nên bài luận dễ chạm tim người đọc”.
Gia đình Tú Anh ngày trước |
Bà Tô Nga không quá nghiêm khắc với con nhưng nhất định không chiều con, ngay từ khi Tú Anh còn nhỏ. Bà muốn con tự đi bằng đôi chân của chính mình, nếu va vấp, hãy lau nước mắt tự đứng lên. Kết quả thi SAT của Tú Anh ngoài sức tưởng tượng của hai vợ chồng nhà giáo vùng cao: Đạt 1460 điểm/1600 điểm.
Tất nhiên, để chạm tay vào ước mơ, Tú Anh còn phải trải qua nhiều thử thách. Hồi tháng 2, Tú Anh một mình tới Florida (Mỹ) để tham gia vòng phỏng vấn của Rollins College. Vượt qua 3 vòng “đấu trí” hồi hộp, cô đã chiến thắng.
Học bổng toàn phần trị giá khoảng 7 tỷ đồng, cho 4 năm theo đuổi ngành Quan hệ Quốc tế và Tâm lý học ở Rollins College, bang Florida (Mỹ) của Tú Anh đính kèm điều kiện: Cô phải duy trì học lực ở mức xếp hạng quy định, nếu tụt hạng thì mất học bổng. Bà Nga nhắc con: “Nếu con không đạt xếp hạng học tập như yêu cầu của người ta thì chỉ còn cách duy nhất, trở về Việt Nam. Bố mẹ không có tiền để nuôi con ăn học ở Mỹ”. (Bà không ngại khi thường xuyên lặp lại “điệp khúc”: “Bố mẹ không có tiền” với cô con gái lớn của gia đình). Tú Anh tự tin đáp: “Con sẽ đạt xếp hạng cao hơn yêu cầu của nhà trường. Mục tiêu tiếp theo của con: Học thật giỏi để được giữ lại trường và học lên cao học”.
Bà Nga chia sẻ thêm, khi đại dịch diễn ra căng thẳng, Tú Anh cũng được 2 trường đại học ở Mỹ cấp học bổng tương đương 3,6 tỷ đồng nhưng bà buộc con phải khước từ: “Gia đình ta không dư dả gì, có bán hết nhà cửa, cũng không thể bù được số tiền vẫn còn thiếu để con du học. Con cần phải giành học bổng toàn phần thì mới được đi”, bà đưa ra yêu cầu. Khi kể lại chuyện này, người mẹ vùng cao cười hạnh phúc: “Tôi không ngờ nó cũng giành được học bổng toàn phần”.
Chưa có người yêu, không thích shopping, chỉ mê Red Velvet
Mẹ Tú Anh đang mang bệnh, cô con gái nhỏ an ủi mẹ: “Mẹ cứ an tâm dưỡng bệnh, sang Mỹ con sẽ mua thật nhiều thuốc tốt gửi về cho mẹ”. Người mẹ hỏi con: “Con lấy tiền ở đâu để mua thuốc cho mẹ?”. Cô gái đáp: “Con vẫn tiếp tục dạy thêm”. Hiện tại, cô dạy thêm bằng hình thức online cho hai trò, một ở Mỹ, một ở Úc. Còn giờ này, Hà Tú Anh đang ở Singapore, cô tự thưởng cho mình một món quà sau những nỗ lực miệt mài: Sang Đảo quốc sư tử thưởng thức màn trình diễn của nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc Red Velvet. “Tôi cũng không ngăn cản con, vì con tự bỏ chi phí sang đó, bằng tiền riêng của nó. Mà tôi nghĩ nó chẳng có thú vui gì nhiều. Ngoài chăm chó, yêu chó thì nó chỉ cuồng nhiệt nhóm nhạc nữ Hàn Quốc. Người yêu cũng không có. Cho nên, để nó được thoả mãn trước khi sang Mỹ nhập học”, bà Nga trải lòng.
Cũng theo bà, con gái không mê shopping, không mê ăn hàng như những bạn nữ khác. Dạy thêm và học hành đã chiếm gần hết quỹ thời gian của Tú Anh. Cô không đi ngủ trước 2 giờ sáng. Mẹ cô từng lo lắng cho sức khoẻ của con gái, thường giục con gái ra ngoài chơi nhưng Tú Anh không chịu: “Tôi nhớ năm lớp 11, sắp đến Tết nên tôi năn nỉ con cùng tôi đi chọn quần áo mặc Tết. Nhưng nó từ chối, con không có thời gian đâu, mẹ cứ đi đi, mẹ mua gì con cũng mặc”.
Tú Anh không đòi quần áo đẹp, cũng không cần điện thoại thông minh: “Mãi đến năm lớp 12, khi con giành được học bổng do một người nước ngoài sáng lập dành riêng cho học sinh trường chuyên ở Cao Bằng thì tôi mới bù thêm một khoản tiền nhỏ cho con sắm chiếc điện thoại thông minh đầu tiên. Trước đó con dùng điện thoại “cục gạch”, bà Tô Nga tiết lộ.