Nghị lực phi thường của cô bé khiếm khuyết tay chân

TPO - Từ khi sinh ra, cô bé ở vùng quê nghèo của tỉnh Sóc Trăng đã phải gánh chịu nỗi đau không có tay chân, lại sớm mồ côi cha. Thế nhưng cô bé không chịu đầu hàng số phận, vẫn quyết tâm đến trường với ước mơ làm bác sĩ.

Sinh ra trong bất hạnh

Đó là em Trần Thị Hiếu Thảo (8 tuổi, ngụ huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng). Trong căn nhà lá xập xệ, một cô bé có dáng người nhỏ nhắn như chú chim cánh cụt; với đôi tay bị mất đi quá nửa cùi chỏ đã chai sần, đôi chân chỉ còn lại phần đùi nhưng cô bé vẫn lê đôi dép to tướng trên nền đất tì cáng chổi vào má, đoạn tay còn lại thì giữ chiếc chổi. Chỉ trong phút chốc “chim cánh cụt” đã giúp bà ngoại quét nhà sạch sẽ.

Nghị lực phi thường của cô bé khiếm khuyết tay chân ảnh 1 Dù khiếm khuyết đôi tay nhưng Hiếu Thảo vẫn quyết tâm tập viết theo cách riêng của mình - Ảnh: Kim Hà.

Thấy có khách đến nhà, Thảo nhanh chóng cất chổi rồi bước thoăn thoắt những bước đi như bật cóc để ra chào hỏi. Từ khi còn trong bụng mẹ, em đã bị khiếm khuyết tứ chi, bà Lý Thị Cho (68 tuổi, bà ngoại của bé Thảo) kể: “Lúc con gái tôi mang thai bé Thảo, tôi đã nhiều lần đưa đi siêu âm bác sĩ nói thai nhi phát triển bình thường nên gia đình rất vui mừng. Đến khi đi sinh, bác sĩ nói với người nhà là cháu có tật đã đưa xuống phòng hấp điện. Nghe vậy, tôi khóc nhiều lắm nhưng cứ nghĩ là bé bị tật ở tay chân chút đỉnh thôi. Nhưng đến khi vào thấy bé chọi lõi, hai tay, hai chân không có, đầu thì như cái hồ lô tôi ngất tại chỗ”.

Bà Cho cho biết, thời điểm đó có nhiều người khuyên bà nên làm đơn cho cháu để nhà nước nuôi. Nghĩ thương cháu, bà Cho khóc hết nước mắt nhưng gia cảnh nghèo khó bà dự định sẽ để người ta mang đứa cháu tội nghiệp của mình đi. Nhưng không nỡ dứt bỏ núm ruột của mình nên bà quyết định đưa bé Thảo về nuôi.

Khổ càng thêm khổ, khi sinh ra chưa được bao lâu thì cha ruột của cô bé lại qua đời do tai nạn giao thông, để lại vợ dại, con thơ. Còn bé Thảo thì bệnh triền miên nên khi bé vừa thôi nôi thì mẹ Thảo phải gửi em lại cho ông bà ngoại rồi một mình rời quê lên tỉnh Bình Dương làm thuê để có tiền gửi về cho con chữa bệnh.

Nghị lực phi thường của cô bé khiếm khuyết tay chân ảnh 2 Ước mơ được đi học và trở thành bác sĩ luôn thôi thúc cô bé cố gắng học tập - Ảnh: Kim Hà.

“Mỗi lần sốt là con bé lên cơn co giật đến ngất đi, tôi phải bồng bế đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác để chạy chữa. Nuôi nó cực khổ trăm bề, nhưng thương cháu mình bất hạnh, không có tay chân, nếu mình không nuôi nó thì bỏ cho ai nên phải ráng tới đây hay tới đó. Rồi nó cũng an ủi mình, “Ngoại ơi ngoại đừng có cho con cho người ta nghen ngoại. Sau này con lớn con có tay chân rồi con nuôi lại ngoại” – bà Cho tâm sự.

Nói xong bà Cho bỗng nhiên nghẹn lại, hai hàng nước mắt lăn tròn trên gương mặt, bà tâm sự: “Lúc nó 5 tuổi, mẹ nó bước thêm bước nữa rồi sinh em bé. Nó hỏi tôi “Sao mẹ sinh em có tay chân mà còn không có vậy ngoại?”. Nghe câu hỏi ngô nghê của cháu mà tôi đau xót, chỉ biết khóc”.

Nghị lực phi thường

Tuy cơ thể không lành lặn như các bạn đồng trang lứa, nhưng chưa bao giờ Thảo tự ti về ngoại hình của mình. Từ năm lên 3, Thảo đã tự làm thuần thục từ việc đi lại, tự ăn uống, sử dụng điều khiển tivi, điện thoại, cho đến giúp ngoại quét nhà,... theo cách riêng của mình. Khi muốn cầm, nắm một vật gì, Thảo sẽ dùng phần tay còn lại của mình kẹp vào má để lấy. Tuy không có tay, nhưng động tác của em rất nhanh và cầm đồ vật rất chắc chắn khiến ai thấy cũng phải kinh ngạc.

Bà ngoại bé Thảo cho hay: “Hồi 3 tuổi, nó nói ngoại để con tự ăn cơm, ngoại đừng đút con nữa. Lúc đầu tôi cũng băn khoăn, rồi thấy nó làm được, mà còn làm rất nhanh, gia đình ai cũng mừng. Từ đó đến nay tôi để cho nó tự làm mọi việc nó muốn”.

Nghị lực phi thường của cô bé khiếm khuyết tay chân ảnh 3 Bé Hiếu Thảo và bà ngoại - Ảnh: Kim Hà.

Có lẽ với lứa tuổi còn quá nhỏ, Hiếu Thảo có thể chưa cảm nhận hết nỗi đau và sự bất hạnh mà bản thân em đang gánh chịu. Mặc dù vậy nhưng trong em vẫn chứa đựng một tinh thần hiếu học đáng ngưỡng mộ. Đến tuổi học mẫu giáo, thấy các bạn được cha mẹ đưa đến trường làm cô bé cũng náo nức, khóc lóc đòi ông bà ngoại cho mình đi học. Thấy cháu ham học, bà Cho bàn với chồng sẽ cho cháu đến trường nhưng lại lo lắng Thảo sẽ mặc cảm về ngoại hình của mình không được bình thường như những đứa trẻ khác.

Nhưng với Thảo, em chưa bao giờ thấy buồn vì cơ thể mình không lành lặn, mà chỉ cần được đi học em mới có thể thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ của mình. “Em rất thích đi học, vì đi học sẽ giúp em làm bác sĩ chữa bệnh cho ngoại và mọi người” – Hiếu Thảo ước mơ.

Nói về những ngày đầu đến lớp, cô bé “chim cánh cụt” chia sẻ: “Ở lớp có nhiều bạn, rất vui. Nhưng lúc đầu chưa quen nên các bạn không chơi với em, còn trêu chọc em nữa. Thấy các bạn chạy chơi ngoài sân em cũng muốn ra chơi cùng nhưng sợ bị đụng trúng nên em thường ngồi trong lớp nhìn các bạn. Dần quen, các bạn mới chịu nói chuyện, rồi chơi cùng và thường xuyên cho em bánh kẹo” – Hiếu Thảo kể.

Nghị lực phi thường của cô bé khiếm khuyết tay chân ảnh 4 "Chim cánh cụt" và các bạn trong lớp học - Ảnh: Kim Hà.

Điều khiến vợ chồng bà Cho lo lắng là cho Thảo đi học thì được nhưng e rằng em sẽ không thể viết chữ vì không có tay. Thế nhưng Hiếu Thảo đã làm cho mọi người ngạc nhiên ngay khi vào lớp 1, cô bé đã bắt đầu tự tập viết bằng cách kẹp bút vào má rồi nắn nót từng con chữ. Không ai nghĩ rằng, một cô bé khiếm khuyết tứ chi như thế có thể viết được chữ, mà còn viết ngay hàng thẳng lối. Hơn nữa, em còn là một học sinh khá giỏi của trường Tiểu học An Thạnh 2B (xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung).

Trao đổi với Tiền Phong, thầy Lê Hoàng Vinh – Hiệu trưởng trường Tiểu học An Thạnh 2B chia sẻ: “Khi nhận bé Thảo vào trường, chúng tôi cũng rất bâng khuâng không biết bé Thảo có viết được hay không? Qua 1 - 2 tuần đầu tiên chúng tôi bắt đầu tìm hiểu những thói quen trong sinh hoạt của Thảo thấy bé thường cầm bất kỳ vật gì cũng bằng phần tay phải bị mất với xương má. Từ đó, giáo viên và phụ huynh bắt đầu hướng dẫn cho bé viết bằng phấn, rồi đến bút. Ban đầu viết rất chậm, sau khi học hết phần âm của lớp 1 thì thấy bé viết được, thầy cô giáo cũng có niềm tin tiếp tục giúp đỡ bé học các chương trình hòa nhập cùng với các bạn để bé không thiệt thòi”.

Theo thầy Vinh, các môn Hiếu Thảo đều học tốt. Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động vui chơi dù không trực tiếp nhưng tinh thần em cũng rất phấn chấn và nhanh chóng hòa nhập với các bạn. Điều đặc biệt ở cô bé “chim cánh cụt” này là khả năng phản biện rất nhanh nhạy. “Khả năng tư duy phản biện của Thảo rất linh hoạt. Ví dụ như thấy một vấn đề nào đó mà bé thấy không đồng tình hay không đúng thì bé sẽ suy nghĩ và phản biện nhanh, lập tức đưa ra ý kiến, quan điểm của mình” – Thầy Vinh nói.

MỚI - NÓNG