Nghệ: Thực phẩm lành hóa dữ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Vẫn nghe nói nghệ là thực phẩm tốt cho phụ nữ, có tính chống khuẩn, chống dị ứng nên chắc hẳn nhiều người ngạc nhiên khi chính nghệ cũng gây dị ứng. Nhưng đó là sự thực.

Dị ứng vì nghệ “bẩn”

Chị Ngô Thị Huyền, Cầu Giấy, Hà Nội nói bằng giọng ghen tỵ: “Ai cũng kêu nghệ lành và tốt chữa nhiều bệnh và đẹp da nhưng với em thì thật kinh khủng. Em cứ ăn đồ gì có nghệ là mặt sưng vù. Hôm trước, em chỉ dùng đầu tăm bôi nghệ lên vết bỏng, những tưởng để liền sẹo nhưng chỗ đó phồng rộp lên như mới bị bỏng, sau đó toàn bộ chân lở loét, chảy mủ”. Tương tự, chị Đỗ Thị Minh, Thanh Xuân, Hà Nội cũng dị ứng với nghệ, nhưng chỉ gặp khi bôi ngoài da, còn dùng nghệ nấu ăn thì không ảnh hưởng gì.

TS. Nguyễn Hữu Sáu, Viện Da liễu Quốc gia cho hay viện cũng gặp khá nhiều bệnh nhân bị dị ứng, nhiễm trùng và sẹo lồi khi dùng nghệ tươi và một vài chế phẩm được tinh chế từ nghệ vào vết thương. Biểu hiện của dị ứng rất đa dạng, và xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi sử dụng vài giờ, có người chỉ vài phút. Nhẹ thì nổi mề đay từng vùng (hoặc khắp người), rất ngứa, nôn nao khó chịu. Nếu nhẹ chỉ vài giờ sau triệu chứng sẽ lặn. Trường hợp nặng thì ngoài nổi ban và ngứa, còn phù nề mặt, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở... Cũng có trường hợp nguy kịch, người bệnh có phản ứng kiểu phản vệ, dẫn đến tử vong.

Nghệ vàng là một loại cây thuộc họ gừng, đã được các nhà khoa học nghiên cứu chứng minh được những thành phần trong tinh dầu nghệ có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe của con người như có hoạt tính chống viêm cấp tính và mãn tính. Tác dụng chính của nghệ nằm ở hoạt chất curcumin. Một số tài liệu còn nói rằng nghệ là thực phẩm có tác dụng chống dị ứng. Chính vì thế thông tin nghệ gây dị ứng đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng điều đó đã là thực. Trên diễn đàn webtretho, mở vào topic “dị ứng với nghệ”, bạn sẽ thấy không ít chị em mắc phải chứng này.

Giải thích về điều này, BS. Hoàng Xuân Đại, Nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ Y tế cho hay nhiều người bị dị ứng với nghệ không phải vì thành phần sinh học vốn có của chúng. Có thể là loại nghệ ấy lại trồng ở nơi vùng đất có những chất dễ gây ra dị ứng nên củ nghệ đã hấp thu những chất lạ ấy vào. Khi người dùng tiếp xúc với nghệ sẽ dị ứng với tạp chất trên.

nghệ

Dùng nhiều nên gặp họa

Ngoài thành phần curcumin, nghệ còn có acid béo thực vật và protein. Thông thường trong 100g nghệ có chừng 9,8g chất béo và 7,8g protein. Tùy vào từng khí hậu và vùng đất mà lượng chất này có thể tăng hoặc giảm. Acid thực vật nằm trong tinh dầu khi tiếp xúc với da có thể gây phản ứng dị ứng. Còn một số phân tử protein nhỏ trong nghệ cũng dễ dàng thẩm thấu qua thành ruột và da gây ra phản ứng dị ứng. Người bị dị ứng với nghệ chính là dị ứng với hai chất này chứ không phải dị ứng với curcumin.

Tuy nhiên, hàm lượng chất béo và chất đạm trong nghệ không cao. Những trường hợp dị ứng với thành phần của nghệ thường là người có cơ địa dị ứng hoặc dùng nghệ quá nhiều hoặc dùng nghệ ở một số vùng miền mà nghệ có nhiều chất béo. Mặt khác, trong nghệ lại có chứa các chất sinh học chống dị ứng nên nếu hiện tượng dị ứng do phản ứng với thành phần sinh học của nghệ thì hiếm xảy ra. Trường hợp dị ứng với tạp chất, chất độc ở đất nhiễm vào nghệ mới nguy hiểm.

Để tránh tình trạng dị ứng với nghệ, cách tốt nhất là bạn nên lưu ý khi chọn mua nghệ (nếu có thể thì mua nghệ sạch, nghệ hữu cơ). Những người có cơ địa nhạy cảm, dễ ngứa cần tránh dùng nghệ. Khi dùng, tránh dùng nhiều một lúc. Những người dị ứng với chất béo thì hạn chế dùng.

Một số trường hợp chỉ dị ứng với nghệ khi dùng ngoài ra chứ không có phản ứng khi ăn, và dị ứng có thể xảy ra khi dùng nghệ tươi chứ không xảy ra với nghệ khô, chiết xuất nghệ. Do đó để biết mình có dị ứng không nên bôi nghệ tươi lên da, sau 24h mà không thấy dấu hiệu bất thường, tức là bạn an toàn với chúng.

Nhiều đối tượng khác cũng cần kiêng nghệ

Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố GS.TS. Đỗ Tất Lợi, nghệ vị cay đắng, tính ôn, vào 2 kinh can và tỳ, nghệ có tác dụng phá ác huyết, huyết tích, kim sang và sinh cơ (lên da) chỉ huyết. Nhưng nếu âm hư mà không ứ trệ cấm dùng; Các bệnh sản hậu (sau khi đẻ) mà không phải nhiệt kết ứ, đàn bà có thai, rong kinh kéo dài cũng không nên dùng.

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG