Ấn tượng là trào lưu nghệ thuật bắt đầu tại Paris (Pháp) vào cuối thế kỷ 19. Mặc dù trường phái này được biết đến nhiều nhất với những bức tranh phong cảnh đầy nắng và sinh hoạt nhàn nhã của người Paris, nhiều tác phẩm trong số đó cũng khai thác câu chuyện phức tạp hơn về cuộc sống. Ba họa sĩ Pierre-Auguste Renoir, Edgar Degas và Berthe Morisot lấy chủ đề cho con bú để phản ánh phụ nữ lao động ở châu Âu vào thế kỷ 19.
Nuôi con bằng sữa tồn tại từ lâu, nhưng ở Paris vào thế kỷ 19, nó trở thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Những nhũ mẫu nông thôn (ở độ tuổi 20, sức khỏe tốt, răng chắc và sữa trắng đặc) được tuyển dụng để chăm sóc con cái cho phụ nữ thành thị (bất kể thuộc tầng lớp trung lưu hay hạ lưu). Đối với những gia đình tư sản giàu có, họ là một trong những giúp việc được coi trọng nhất.
Tuy nhiên, hình thức công việc này dần bị mai một sau khi nhà hóa học người Pháp Louis Pasteur phát hiện ra cách thức lây lan của vi khuẩn, cũng như các ấn phẩm y tế quảng bá lợi ích sức khỏe của sữa mẹ. Phụ nữ ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ hơn thuê vú nuôi. Ngoài ra, các hệ tư tưởng về chính trị và tôn giáo khuyến khích phụ nữ tự mình nuôi con.
Cho con bú không phải chủ đề phổ biến trong trường phái ấn tượng, tuy nhiên cách thể hiện của Degas, Renoir và Morisot mang lại một cái nhìn sâu sắc và hấp dẫn về thái độ nhìn nhận phụ nữ.
At the Races in the Countryside của Edgar Degas (1869)
Bức tranh của Edgar Degas tập trung vào thực tế thuê vú nuôi cho con trong giới nhà giàu ở Pháp. Ảnh: Wikimedia Commons. |
At the Races in the Countryside lấy bối cảnh trường đua ngựa ở vùng nông thôn, tập trung vào chủ đề cho em bé bú trong giới nhà giàu ở Pháp. Trong đó, một gia đình ngồi trên xe ngựa sang trọng. Người mẹ cầm ô che nắng cho vú nuôi đang cho em bé bú. Người cha ngồi vị trí đánh ngựa và con chó bulgie đều nhìn thẳng vào đứa trẻ.
Theo nghiên cứu của nhà phê bình nghệ thuật Gal Ventura về việc cho con bú trong nghệ thuật, bức tranh tạo ra mối liên hệ giữa vú nuôi và gái “bán hoa”, một nhân vật mà Degas thường miêu tả. Cả hai đều là những phụ nữ lao động bán cơ thể, hay đúng hơn là các chức năng cơ thể của họ, cho những gia đình giàu có để kiếm tiền, dù vú nuôi được coi trọng hơn gái “bán hoa”.
Điều mà Degas làm nổi bật ở đây là sự hiện diện phổ biến của chủ nghĩa tư bản hiện đại và sự mua bán, đổi chác ngay cả trong một bức tranh trông yên bình, nhàn nhã.
Maternity của Pierre-Auguste Renoir (1885)
Bức Maternity được nhận xét là phá vỡ ranh giới giữa tình mẫu tử và tình dục. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Maternity (tạm dịch: Thiên chức làm mẹ), còn được gọi là The Nursing Child (tạm dịch: Đứa trẻ đang được cho bú), là bức tranh về vợ tương lai của tác giả, Aline, đang cho con trai đầu lòng của họ, Pierre, bú. Trong tranh, Aline ngồi trên thân cây đổ, mặc trang phục giản dị đúng với công việc của cô là thợ may ở vùng nông thôn. Cô đội chiếc mũ rơm lộ ra gương mặt hồng hào. Cô được giới tính hóa thông qua bộ ngực đầy đặn, lộ ra khi cho con bú.
Ventura nhận xét phụ nữ lộ ngực trần “là scandal đối với chế độ gia trưởng vì nó phá vỡ ranh giới giữa tình mẫu tử và tình dục”. Aline có vẻ hạnh phúc, Pierre cũng vậy, nhưng có điều gì đó không ổn. Sự liên kết của Renoir về người bạn đời đang cho con bú của mình với thế giới tự nhiên trông lộn xộn. Mô tả này lặp lại tuyên bố của nhà nữ quyền Simone de Beauvoir trong cuốn sách The Second Sex (Giới tính thứ hai) về việc dưới chế độ phụ quyền, "phụ nữ chỉ là động vật giống cái được thuần hóa" thông qua khả năng cho con bú và trở thành mẹ của phụ nữ.
Ngoài ra, Maternity cho thấy sự thay đổi trong thói quen giao phó con cho vú nuôi. Biểu cảm thư thái của người mẹ thể hiện việc cho con bú không phải áp lực hay “công việc”.
The Wet Nurse Angèle feeding Julie Manet của Berthe Morisot (1880)
The Wet Nurse Angèle feeding Julie Manet phản ánh mối liên kết giữa nghệ thuật, công việc và tiền bạc. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Trong bức The Wet Nurse Angèle feeding Julie Manet (tạm dịch: Vú nuôi Angèle đang cho Julie Manet ăn), mối liên hệ giữa nghệ thuật, công việc và tiền bạc trở nên rõ ràng nhất. Tranh mô tả cảnh con của tác giả đang bú sữa của nhũ mẫu.
Điểm khác biệt với hai bức tranh trước đó là tác giả là phụ nữ vẽ một phụ nữ khác cho em bé bú, không phải vì bản năng nuôi dưỡng mà vì tiền. Tuy nhiên, cách bức tranh được vẽ mới làm cho nó trở nên hấp dẫn.
Người xem không sửng sốt về bộ ngực trần, mà đến từ sự dữ dội của những nét vẽ chưa hoàn thành lên tấm vải, pha trộn da thịt, dáng người, trang phục và phông nền thành những nét dày, không đều, bắn ra nhiều hướng. Bức tranh thể hiện cảm xúc mà có lẽ chỉ một người mẹ mới có thể cảm nhận được. Đây là một bức tranh đầy giận dữ về tình mẫu tử và hành động vẽ tranh.
Morisot bán tác phẩm nghệ thuật để được tự do tài chính, không phải phụ thuộc vào mẹ đẻ và nhà chồng. Trước áp lực cuộc sống, cô được san sẻ gánh nặng nhờ có vú nuôi và người chồng ủng hộ.
Nhà sử học nghệ thuật ủng hộ nữ quyền Linda Nochlin nhận thấy điểm chung giữa hai phụ nữ. "Các sản phẩm được sản xuất hoặc tạo ra cho thị trường vì lợi nhuận", bà Nochlin nhận xét.