> Những mảnh đời sống 'lậu'
> Sinh viên đưa ô tô trộm sạch cửa hàng thời trang
Lái xe ôm thành… thợ khóa kho bạc
Ai “có nhà không vào được, tiền đầy két không thể lấy dùng…” liền nghĩ ngay đến ông Long. Ông Long năm nay 49 tuổi, thâm niên nghề nghiệp hơn 13 năm. Tên cúng cơm là Nguyễn Văn Long nhưng người ta chỉ quen gọi ông là “Long khóa”.
Trước năm 2000, ông làm nghề lái xe ôm, cuộc sống gia đình nhiều phen túng quẫn vì thu nhập chẳng bao nhiêu, trong khi phải nuôi hai con nhỏ ăn học.
Ra vỉa hè, ông bắt đầu học lỏm thêm nghề sửa khóa. Ông kể: “Lúc tôi học nghề người ta không lấy tiền nhưng từ sáng tôi phải chở thầy từ nhà đến chỗ làm, đến chiều lại chở về. Học cái nghề này siêng năng thôi thì không ăn thua, cái chính là tự nghiên cứu.
Có khi vì cái ổ khóa mà nhiều đêm liền tôi mất ngủ, vắt óc suy nghĩ tìm cho ra cách giải. Nhiều năm nay, tôi chưa biết đầu hàng loại khóa nào, vấn đề là cần thời gian ít hay nhiều. Nghề này, nóng vội là hỏng”.
Trong nghề, ông Long luôn có cách riêng để gọi “vừng ơi mở ra”. Vì thế, ông thường được các khách hàng lớn như các ngân hàng, đại lý… tin tưởng gọi khi gặp sự cố. So với khóa két sắt, để mở cánh cửa khóa kho của ngân hàng dày hơn 20cm, có nhiều chốt ngang dọc bằng cổ tay là một bài toán khó.
Ông bảo: “Đã là khóa thì phải có cách mở, với khóa cửa kho bạc của ngân hàng thì tôi phải suy nghĩ đến 2 ngày mới mở được. Tôi chỉ yêu cầu họ cho khoan một cái lỗ bằng ngón tay, nếu đồng ý thì tôi mở, còn không thì chịu. Với cách này, các ngân hàng ở TP Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, Krông Bông hay ở Đắk Nông tôi đều mở thành công”.
Nghề nhiều cám dỗ
Sau nghề khóa, ông bầu bạn với cây đàn. |
Trò chuyện về nghề, ông Long xác định: “Nghề này có nhiều cám dỗ lắm, “cái tài bẻ khóa” rất dễ đi với “cái tai” nếu thấy cả núi tiền trước mặt mà không làm chủ được mình, nảy sinh tà ý là toi. Mỗi khi đi bẻ khóa, nghe tiếng cửa két sắt mở, tôi không dám nhìn vào mà đóng cửa lại gọi chủ nhà đến để bàn giao. Nếu có ý xấu, khi mở khóa xong chỉ cần nhờ chủ nhà lấy cái này, cái kia thì giở trò được ngay nhưng với lương tâm nghề mình không cho phép”.
Có lần, ông Long được một phụ nữ giàu có gọi đến nhà nhờ mở khóa két sắt nhưng lại không có chìa khóa vào phòng, người chồng cũng vắng bóng. Ông hỏi: “khóa đâu, số đâu?”, còn người phụ nữ chỉ ậm ờ bảo “mất khóa, còn số thì quên”.
“Người ta hứa trả tiền hậu hĩnh nhưng thấy nghi ngờ nên tôi nhất quyết không mở, sau này mới biết vợ chồng nhà đó đang rục rịch ly thân, đòi phân chia tài sản. Nếu hôm đó tôi mở chắc sau này ra tòa sẽ có tôi trong đó vì cái tội “cấu kết tẩu tán tài sản hay trộm cắp gì đó”. Gặp nhiều trường hợp như vậy tôi đều quay về, thà chịu đi làm không công”, ông Long nói.
Nhiều năm làm nghề ông cũng gặp không ít chuyện tréo ngoe, bất thình lình có người đến yêu cầu “làm chiếc chìa khóa vạn năng, bao nhiêu tiền cũng trả”.
Ông quát: “Khóa vạn năng để ăn trộm hả, đi ngay không tao báo công an còng tay bây giờ”. Và cũng không ít lần trộm đưa xe gian đến bảo ông làm khóa, làm xong chẳng thấy chủ xe đâu ông phải đưa xe lên giao cho công an phường.
“Nhiều thanh niên nghe tiếng cũng tìm đến chỗ tôi học nghề, mà đâu phải ai tôi cũng truyền nghề đâu, nhìn qua thái độ, cách làm việc là tôi đoán ra người tốt – xấu. Đệ tử ruột của tôi chỉ có 2-3 cậu đều làm tốt, thằng con út của tôi cũng theo nghề của bố”, ông Long cho biết.
Ông tiết lộ: “Tôi có ba cây đàn, một gửi ở gần chỗ làm, còn hai cây đắt tiền treo ở nhà. Tôi yêu thích đàn từ nhỏ, năm 17 tuổi là đã biết chơi đàn rồi”.
Ông Nguyễn Mạnh Xuân (Tổ trưởng tổ dân phố 8, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) cho biết: Sống trong khu phố, ông Long không có điều tiếng gì hết, gia đình ông ấy rất hòa thuận với mọi người. Các hoạt động của tổ dân phố, của phường ông ấy đều tham gia đầy đủ. Hàng ngày, ông Long đi làm từ sáng đến tối mịt mới về. Có lần, xe máy tôi bị khóa phải cầu cứu. Ông Long vui vẻ giúp ngay mà chẳng lấy tiền. |