Đình Toàn tên thật là Vũ Đình Toàn, anh sinh năm 1976 tại Sài Gòn. Sau khi học đại học, Đình Toàn tham gia hoạt động nghệ thuật khá đa dạng với nhiều vai trò như: diễn kịch, đóng phim, đạo diễn sân khấu và làm MC. Đình Toàn được đánh giá là một trong những gương mặt nổi bật của sân khấu TPHCM cũng như trên màn ảnh cả điện ảnh và truyền hình.
Để có được sự thành công như ngày hôm nay, Đình Toàn cho biết mình gặp nhiều may mắn trên con đường nghệ thuật. Thuở mới vào nghề, Đình Toàn tình cờ được chọn vào Trung tâm múa rối Nụ Cười của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nhờ ngoại hình giống một diễn viên của đoàn đã nghỉ việc. Khi Trung tâm múa rối Nụ Cười mở sân khấu kịch Idecaf, Đình Toàn được mời qua múa phụ họa rồi được giao vai quần chúng. Khi một số diễn viên kẹt show, Đình Toàn được thế vai. Thời gian sau, NSƯT Thành Lộc thành lập nhóm Chuyện ngày xưa - nhóm Líu Lo và mời Đình Toàn tham gia.
Đình Toàn đang trang điểm cho một vở kịch thiếu nhi.
Và từ một diễn viên vô danh, qua nhiều vai diễn trong seri các vở kịch Ngày xửa ngày xưa, Đình Toàn đã trở thành một trong những diễn viên không thể thiếu của sân khấu kịch Idecaf, xứng đáng là thế hệ thành công kế tiếp sau những Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long, Thanh Thuỷ… Từ một diễn viên kịch, Đình Toàn đã “lấn sân” sang với phim truyền hình và anh tiếp tục đạt nhiều thành công. Trong đó đánh kể nhất là bộ phim Gia đình phép thuật hơn 300 tập phim được khán giả yêu thích đã khẳng định thêm tài năng của Đình Toàn.
Năm 2009, tại Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc, Đình Toàn đã đạt Huy chương Bạc cho Nam diễn viên trong vở Ngàn năm tình sử (sân khấu kịch IDECAF). Sau đó với bộ phim Khát vọng Thăng Long, Đình Toàn trong vai Lê Long Đĩnh đã xuất sắc nhận giải Cánh diều vàng 2010 cho Nam diễn viên chính xuất sắc. Bộ phim cũng được lựa chọn đi dự liên hoan phim Việt tại Pháp. Tại đây, Đình Toàn đã tiếp tục nhận được giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Và tháng 7 vừa qua, Đình Toàn làm đạo diễn tác phẩm Búp bê không biết khóc. Vở kịch xuất sắc được Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ 4 năm 2020.
Đình Toàn tiết lộ: “Đây là duyên may khi tôi được NSƯT Ngọc Trinh rủ làm một vở gì đó để đi thi, sau 11 năm tôi tham gia nhận giải trong vở Ngàn năm tình sử. Từ một ý tưởng nhỏ được gửi đến, tôi và Quang Thảo cùng biên tập lại, Ngọc Trinh, Việt Trang, Nghinh Lộc… tập hợp tập luyện. Vở diễn lấy hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân, có nhiều nguyên tắc riêng khi dựng, phải mang tính chất tuyên truyền nhất định. Đây là một thử thách, chúng tôi đã cố gắng và đã thành công”.
Chia sẻ thêm về quá trình hoạt động nghệ thuật bền bỉ, Đình Toàn cho biết bản thân anh cũng giống nhiều nghệ sĩ khác, cũng mong được gọi bằng một danh hiệu đứng trước tên mình. Anh nói: “Nghệ sĩ khi cống hiến nghệ thuật, danh hiệu là thứ dùng để khẳng định vị trí của người nghệ sĩ ngoài sự công nhận của công chúng. Rất khó để bạn có thể nhận được danh hiệu NSƯT, NSND... Ai cũng cống hiến cho nghệ thuật nhưng không thể đòi hỏi sự công bằng cho tất cả. Người nghệ sĩ phải tự đề cập và tự đi xin danh hiệu đôi khi không đúng sẽ khiến họ chạnh lòng. Chúng ta sẽ thấy có rất nhiều người nghệ sĩ nổi tiếng, xứng đáng với danh hiệu còn cao hơn NSND nhưng họ lại không có một danh hiệu gì. Danh hiệu là thứ gây nhiều bức xúc cho anh em nghệ sĩ lẫn khán giả, tuy nhiên những năm sau này mọi người dễ chịu, thông cảm về vấn đề này nhiều hơn”- Đình Toàn nói.