Nghệ sỹ amateur

Sự kiện có các nghệ sỹ amateur góp vui
Sự kiện có các nghệ sỹ amateur góp vui
TP - Ngoài sảnh trung tâm tiệc cưới White Palace (TPHCM) tấp nập khách dự tiệc. Sắp đến giờ hành lễ, nhập tiệc, một chiếc BMW cáu cạnh lướt tới. Đội ngũ tiếp tân nhanh chóng chạy ra đón ông khách giàu có: “Anh đến dự đám cưới của ai vậy để chúng em hướng dẫn?”. Vác theo túi đựng cymbal (chũm chọe) của dàn trống, vị khách ngoài 30 tuổi hơi lúng túng: “Không, em là nhạc công đám cưới thôi”.

Mấy cậu tiếp tân sau khi mắt tròn mắt dẹt, chưa đợi ông chơi nhạc đám cưới đi khỏi đã buột miệng nói với nhau: “Nghề chơi nhạc đám cưới dạo này phất ghê”. Họ không biết rằng, Nguyễn Hoàng (*), tên ông nhạc công, là giám đốc công ty chuyên cung cấp thực phẩm N.A, có trụ sở ở quận Gò Vấp. 

Ngoài 30, anh đã sở hữu vài nhà hàng tiệc cưới quy mô lớn ở TPHCM và Bình Dương. Mọi thứ anh có được là nhờ công việc kinh doanh, còn dàn trống là sở thích và gần như chưa từng mang lại cho anh thu nhập nào đáng kể. Tuy bận rộn nhưng cứ cuối tuần, Hoàng lại xách dùi, xách trống cùng anh em trong ban nhạc đi chơi, khi thì đám cưới, khi thì một show dạ tiệc nào đó. Cát-xê chẳng đáng là bao so với thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng của Hoàng, nhưng anh đi chơi để “vui là chính”.

Tiền bạc không thành vấn đề

“Thật là buồn nếu không có nhạc. Giữa bao toan tính đời thường, âm nhạc là điều kỳ diệu giúp chúng ta cân bằng lại, giúp cuộc sống thi vị hơn”

 Nghệ sỹ amateur Nguyễn Lê Bắc

Dường như người dân miền Nam có ham thích đặc biệt với ca nhạc. Ai cũng thích hát hoặc ít nhất cũng thích nghe một loại nhạc nào đó. Nhạc không bao giờ thiếu trong các sự kiện, dù là vui hay buồn: từ đám cưới, đám ma, đám đầy năm (thôi nôi), đám giỗ… đến chuyện thành lập công ty, tất niên, tân niên… Nhạc ì xèo quanh năm. Và trong số nhạc công, ca sỹ tham gia những cuộc ì xèo đó, ngoài những người lấy ca hát đàn địch làm nghề kiếm cơm, vẫn có không ít người như Hoàng - dân chơi amateur, nghệ sỹ tài tử.

Nguyễn Lê Bắc năm nay 33 tuổi, một vợ một con. Bắc điều hành hệ thống mạng cho một hãng sản xuất bột giặt, chất tẩy rửa nước ngoài với lương tháng khoảng 4.000 USD. Tại nhà, cho dù không được vợ ủng hộ, anh vẫn cho làm một phòng riêng rộng khoảng 70m2, đầu tư hàng trăm triệu đồng mua nhạc cụ, dàn âm thanh, thậm chí cả hệ thống ánh sáng sân khấu, thiết bị tạo khói.

 Cứ cuối tuần, Bắc kéo 5-6 người về nhà tập luyện, rồi ăn nhậu. Lâu lâu lại tổ chức tiệc nướng tại gia, kéo đàn, trống, dàn âm thanh ra sân làm một liveshow tại chỗ. Được cái hàng xóm láng giềng cũng thoải mái với chuyện ca hát nên có lần ầm ĩ tới gần 11h đêm mà không thấy ai ý kiến ý cò gì. Bắc bảo: “Xóm này cứ lâu lâu lại có nhà ầm ĩ nên chẳng ai trách cứ gì ai, tất cả đều vui vẻ”.

Ban nhạc của Bắc (chơi keyboard trong ban) cũng toàn dân nghệ sỹ amateur, tức là không kiếm sống bằng âm nhạc, chỉ lấy nhạc làm đam mê và niềm vui sống mà thôi. Họ là kiến trúc sư, giáo viên thể dục, nhân viên văn phòng, dân kinh doanh. Họ luyện tập mỗi thứ Bảy. Các bản nhạc họ chơi chủ yếu là nhạc Mỹ, Anh.

Lâu lâu có show, cả ban tụ lại. Chất nhạc cụ, thiết bị âm thanh lên hai chiếc ô tô, cả nhóm lên đường. Lúc ở Vũng Tàu, lúc thì Phan Thiết. Họ chơi nhạc, có khi theo lời mời của công ty một ông bạn, lại có lúc theo phục vụ một nhóm đại gia hay một hội trên mạng nào đó đi “offline”. Cát-xê là những suất ở resort 5 sao miễn phí kèm bia và đồ nhậu. “Đối với ban nhạc, được chơi nhạc cho người khác nghe là hạnh phúc rồi, tiền bạc không phải là vấn đề”, Bắc nói.

Nghệ sỹ amateur ảnh 1
Tất nhiên, để cân bằng công việc và đam mê, sắp xếp thời gian và công sức dành cho nhạc cũng không đơn giản. Đã nhiều lần Bắc đang đi làm, công việc bận rộn nhưng nghe tin có người tận Long Khánh (Đồng Nai) bán một món hàng âm nhạc nhập khẩu có giá tốt, anh phi ô tô xuống giữa giờ hành chính. Để rồi mất cả buổi sáng hôm sau sơn sửa, căn chỉnh thiết bị sao cho nó ngon lành nhất. “Những thứ này khó mà chia sẻ được với vợ. Lúc nào thấy mình tập trung vào âm nhạc, chơi nhạc, mặt vợ cứ nặng như chì bởi càng chơi thì ông chồng càng lậm sâu, càng tốn tiền mua sắm”, Bắc nói.

Không thiếu gian nan

Nguyễn Hoàng có nhiều chuyến chơi nhạc đầy gian nan theo đúng nghĩa đen. Lần đó công ty của anh hợp đồng cung cấp thực phẩm cho quan khách dự lễ khánh thành nhà máy ở khu tổ hợp Khí-Điện-Đạm Cà Mau. Có một số quan khách hàng đầu chính phủ tham dự. Giành được hợp đồng này là nỗ lực lớn của Hoàng và công ty. Anh phải nỗ lực hoàn thành và cố gắng không để xảy ra sai sót, nếu không sẽ ảnh hưởng uy tín và đương nhiên là các hợp đồng tiếp theo. 

Sự kiện này diễn ra buổi trưa trong khi tối cùng ngày, ban nhạc của anh chơi một tối tại Long Hải, Vũng Tàu. Thiếu Hoàng, nguy cơ bể show là rất lớn. Cuối cùng, sau nhiều sắp xếp, quan khách vừa dợm bước đứng lên là Hoàng lên ô tô, đạp ga chạy miết. Từ Cà Mau đến Long Hải là quãng đường khoảng 600km. Hoàng cứ thế mà đạp ga, không dám giao cho tài xế vì còn ít kinh nghiệm chạy đường trường. Chiếc Camry cứ thế vụt đi, thậm chí Hoàng và cậu lái xe còn không dừng lại để ăn trưa, chống đói bằng hai ổ bánh mì, vừa lái vừa nhồm nhoàm nhai. Cứ chốc chốc, Hoàng lại nhận điện thoại từ các thành viên ban nhạc hỏi thăm đã đi đến đâu rồi.

Nghệ sỹ amateur ảnh 2

Đầu tư một phòng tương tự, anh Nguyễn Lê Bắc tốn vài trăm triệu đồng chỉ để thỏa đam mê

Tám giờ tối, sân khấu đã sẵn sàng. Các thành viên ban nhạc đã lên kịch bản phải chơi thế nào khi thiếu tay trống. Họ chọn những bài thật nhẹ nhàng, nếu có bỏ đi phần trống thì cũng chấp nhận được. Thậm chí, trong trường hợp vì lý do nào đó Hoàng không thể đến được, tay keyboard của ban sẽ phải quay qua đảm nhiệm dàn trống và ban nhạc chỉ còn chơi với trống, guitar và bass. Nhưng thật kịp lúc, khi ca sỹ hát xong khúc dạo đầu thì khán giả thấy một anh chàng mặt mũi bơ phờ lò dò bước tới dàn trống và vào ngay đoạn nhạc thứ hai một cách rất hợp lý và nghệ thuật. 

Ngoài những người còn trẻ như Hoàng, như Bắc, ở Sài Gòn, giới nghệ sỹ amateur còn gồm cả những tay đàn, tay trống có tuổi mà tên tuổi cũng ít người biết bởi họ chỉ chơi ở những tụ điểm nhỏ, đôi khi dòng nhạc họ chọn chơi không phải là thứ hợp với đa số người nghe như jazz hay blues.

Nhưng nghệ sỹ amateur chơi nhạc không vì sự nổi tiếng hay tiền bạc, đơn giản chỉ là đam mê. Anh Trương Quốc Tuấn, tay guitar 52 tuổi, là người như thế. Là nhân viên một công ty phần mềm, ngoài công việc cơ quan, anh suốt ngày đắm đuối với cây đàn. Có vợ và hai cậu con trai, cậu đầu đã học xong đại học, anh Tuấn may mắn được cả nhà chia sẻ với sở thích và đam mê của anh. Tết vừa rồi, anh dốc hết túi, không dám nói với vợ rinh về cây đàn ES 355 Gibson với giá hơn 45 triệu đồng, cho dù trong nhà anh đã có ít nhất ba cây đàn. “Về nhà chỉ dám bảo vợ, anh hứa từ giờ đến ít nhất 5 tháng nữa anh nhịn ăn nhịn tiêu, không nhậu nhẹt hay cà phê”, anh kể. Vợ nhìn thấy vẻ mặt khổ sở của anh, tuy vẫn xót tiền nhưng cũng đành cho qua. “Mình chỉ sợ năm nay đã ngoài 50 tuổi, chẳng còn bao nhiêu thời gian và sức lực cho đàn cho nhạc nữa. Mà thế giới âm nhạc thì bao la”, anh nói.

Anh Tuấn có một “học trò” cùng độ tuổi, là anh Hải, nhà ở đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân. Anh Hải trước đây là công an Đồng Tháp, sau ra quân, về Sài Gòn mở tiệm tạp hóa. Anh Hải đến với cây đàn guitar được vài năm, tay nghề vẫn còn lõm bõm, nhịp phách chưa vững. Nhưng đam mê thì lúc nào cũng có dư. Gặp anh Tuấn, anh Hải tâm đắc, bái làm sư phụ. Hàng xóm thường thấy cảnh hai “thầy trò” đều tóc đã muối tiêu, vừa bán hàng vừa luyện đàn dịp cuối tuần.

Những người như anh Tuấn, Hoàng hay Bắc đều giống nhau ở suy nghĩ rằng, âm nhạc là một món quà của cuộc sống đối với cuộc đời họ. “Thật là buồn nếu đời không có nhạc. Giữa bao toan tính cuộc đời, âm nhạc là điều kỳ diệu giúp chúng ta cân bằng lại”, anh Bắc nói.

______

(*) Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu cá nhân.


MỚI - NÓNG