NSND Trung Anh: An ủi người sống
Đại lễ tưởng niệm đồng bào mất do COVID-19 hay các nghi lễ cúng cho người đã khuất nói chung trong gia đình chính là cách để an ủi người sống. Sự ghi nhận công lao những người hi sinh, tưởng nhớ những người đã mất cũng không bù đắp được cho những người đã mất.
Sự tưởng nhớ suy cho cùng để cái tâm người sống cảm thấy thanh thản hơn, yên ổn hơn và đặc biệt sống có trách nhiệm hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi chúng ta vẫn đang gồng mình đẩy lùi dịch bệnh. Mong rằng chúng ta sẽ sống có trách nhiệm để không bao giờ phải chứng kiến nỗi đau lớn như giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua.
Nghệ sĩ Quách Thu Phương: Thắp lên ngọn nến tưởng nhớ
Qua bốn đợt dịch, chúng ta phải gánh chịu quá nhiều mất mát. Tôi tin nhiều người chung cảm xúc đau buồn với tôi trước hơn 23 nghìn người dân đã mất, nhiều cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu hi sinh. Trong đại lễ tưởng niệm đầy ý nghĩa này, tôi sẽ thắp một ngọn nến tưởng niệm cho tất cả những người đã khuất.
Hiếm khi chúng ta chứng kiến cảnh nhiều người bỗng mất đi người thân, không kịp tổ chức tang lễ mà hoàn toàn phải dựa vào lực lượng tuyến đầu, lực lượng thiện nguyện. Tuy nhiên cuộc sống vẫn tiếp diễn, chúng ta phải nhắc nhau sống cho ý nghĩa hơn, sống đẹp hơn để sự hi sinh, sự mất mát sinh mạng như thời kỳ vừa rồi không trở nên vô nghĩa.
Lễ tưởng niệm, cầu siêu diễn ra trên cả nước. |
NSƯT Xuân Bắc: Mang đậm giá trị nhân văn của người Việt
Lễ tưởng niệm này là ý tưởng rất kịp thời, mang đậm giá trị nhân văn của người Việt “nghĩa tử là nghĩa tận”. Đại dịch này không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của nhân dân đã kiên trì trong quá trình phòng, chống dịch, tuy nhiên những tổn thất về kinh tế, phát triển và đặc biệt về con người là tổn thất vô cùng lớn.
Đây là cơ hội để những người mất đi người thân trong đại dịch có thêm một ngày để thắp nén nhang, hướng tới người thân. Thực tế, trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, có nhiều người nằm xuống không kịp gặp người thân lần cuối, không được tổ chức lễ tang đầy đủ nghi thức như truyền thống.
Chúng ta không coi lễ tưởng niệm là phong trào mà hãy nhìn ở khía cạnh của ý nghĩa nhân văn, sự cần thiết và kịp thời để xoa dịu nỗi đau cho những gia đình có người mất vì đại dịch. Lễ tưởng niệm cũng là dịp nhắc cho chúng ta không nên lơ là, mất cảnh giác nhất là trong bối cảnh cả nước tiếp tục gồng mình chống dịch.