Nghệ sĩ ôm sầu, gánh nợ

0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ xiếc lại thêm một mùa nghỉ dịch khốn khổ. Ảnh: Kỳ Sơn
Nghệ sĩ xiếc lại thêm một mùa nghỉ dịch khốn khổ. Ảnh: Kỳ Sơn
TP - Hủy hàng loạt hợp đồng biểu diễn, đầu tư chương trình lớn nhưng chưa kịp thu tiền, nghệ sĩ thêm một bận nữa lao đao vì dịch.

Bỗng nhiên gánh nợ

Gala xiếc ba miền trở thành thương hiệu ba năm qua, chương trình lần thứ 4 diễn vào dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua buộc phải dừng vì dịch bùng phát. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc (LĐX) thở dài. “Chúng tôi đầu tư làm chương trình ở Hà Nội, 5 đêm ở Quảng Ninh. Suất diễn dịp 30/4 bán vé hết rồi đều phải trả lại tiền cho khán giả. Tiền chi phí mời diễn viên ba miền từ vé máy bay, chi phí ăn ở chưa biết lấy nguồn thu ở đâu để bù vào. Thông thường chương trình dịp này do LĐX tự đầu tư lấy thu bù chi, cho nên chỉ có thể trông chờ vào nguồn thu từ bán vé để trang trải”, NSND Tống Toàn Thắng nói.

Nghệ sĩ ôm sầu, gánh nợ ảnh 1
Nghệ sĩ ôm sầu, gánh nợ ảnh 2

“Bầy chim thiên nga” của Nhà hát Tuổi trẻ nép mình chờ thời cơ. Ảnh: Kỳ Sơn

Nghệ sĩ xiếc không thể tránh khỏi cú đấm bồi của dịch bệnh. Anh em diễn viên xiếc cùng chung cảnh ngộ với các ngành nghệ thuật khác phải hoãn khai xuân. Rạp đóng cửa cho tới hết 27/3. Trong vòng một tháng, LĐX nỗ lực kích cầu bằng nhiều chiêu từ giảm giá vé, giảm giá hợp đồng cho các trường học, đơn vị. Vất vả chạy đôn chạy đáo mời gọi, chưa kịp gặt hái kết quả từ kích cầu đã “sập”. Rạp xiếc vốn là điểm phục vụ thường xuyên nay tê liệt. Chờ dịch qua đi, nghệ sĩ lại bắt đầu từ vạch xuất phát để quảng bá, kích cầu để khán giả bình tâm tới rạp.

Không gục ngã

NSND Tống Toàn Thắng nhìn thấy núi khó khăn, thách thức trước mắt nhưng không nản. Anh xem kỳ nghỉ dịch là thời gian để nâng cao kỹ thuật, kỹ năng xiếc cho diễn viên và ấp ủ chương trình mới. Sau đợt dịch đầu tiên, nghệ sĩ xiếc bắt tay nghệ sĩ cải lương cho ra đời vở Chử Đồng Tử mới mẻ, thu hút người xem, năm nay dự kiến tiếp tục vở cải lương xiếc Thượng Thiên Thánh Mẫu.

NSƯT Tạ Tuấn Minh cho hay nghệ thuật chịu chung ảnh hưởng như nhiều ngành nghề khác, nghệ sĩ cố gắng cầm cự và tuân thủ quy định phòng, chống dịch. “Đôi lúc khó khăn là dịp để nghệ sĩ ấp ủ nhiều dự định, bởi trước đó đời sống quá bận rộn cuốn họ đi không còn thì giờ tĩnh tâm. Tôi tin rằng sau mùa dịch, nhiều nghệ sĩ có thêm tác phẩm độc đáo, thêm suy ngẫm về thế giới, về bản chất của đại dịch này”, anh nói.

Nghỉ diễn là tình cảnh chung của nhiều nhà hát, sân khấu âm nhạc nhưng xiếc còn có cái khó là không ngừng luyện tập. Nghệ sĩ xiếc mà ngồi chơi xơi nước thì chả mấy cứng tay chân, kỹ thuật xiếc được đánh đổi bằng mồ hôi hằng ngày trên sàn tập. “Chúng tôi còn phải lo trả lương cho khoảng 60 diễn viên trẻ ở diện hợp đồng, do không nằm trong diện được nhận lương từ ngân sách. Họ chính là nòng cốt, tạo nên sức trẻ ở nhiều tiết mục nên không thể để rơi rụng được. Vì vậy, Ban Giám đốc LĐX cố gắng duy trì căng tin ăn trưa cho diễn viên tập luyện. Một bữa ăn miễn phí không là bao nhưng hỗ trợ cho diễn viên trẻ có động lực đi tập. Ngay từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, một số diễn viên không được nhận lương và phải về quê sống dựa vào gia đình”, NSND Toàn Thắng chia sẻ.

Không thể chỉ trông chờ vào các suất diễn ở Hà Nội, LĐX còn tìm đường ký hợp đồng với các khu du lịch, công ty giải trí để diễn viên vừa được biểu diễn vừa thêm thu nhập. Thế nhưng dịch bùng lên, gần 20 diễn viên xiếc bị hủy hợp đồng biểu diễn ở khu du lịch Bà Nà và phải quay lại Hà Nội. Nhiều hợp đồng tương tự cũng phải hủy bỏ.

Ngấm “đòn”

Sau Tết Nguyên đán tới nay, vở Người tốt nhà số 5 của NSƯT, đạo diễn Tạ Tuấn Minh mới có một suất diễn ở Nhà hát Lớn. Nhà hát Kịch Việt Nam mới kịp làm nóng sân khấu độ chục suất diễn với Ngũ hổ tướng, Bão tố Trường Sơn thì dịch bệnh quay trở lại. Toàn bộ lịch diễn đã lên dịp này đều phải hủy. NSƯT Tạ Tuấn Minh kể, thu nhập của hai vợ chồng cùng làm việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam đều từ hoạt động nghệ thuật, đời sống bị đảo lộn đáng kể. Không có nghề tay trái, hai vợ chồng đều dựa vào công việc ở nhà hát, hoặc nhận lời dàn dựng chương trình cho trường học, lễ hội thế nhưng mọi công việc đều đang đóng băng.

NSƯT Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thông báo vừa phải hủy loạt hợp đồng mới ký chưa ráo mực. “Chúng tôi vừa hoàn thành vở Bầy chim thiên nga để đón đầu dịp nghỉ hè và Tết Thiếu nhi 1/6, nhưng buộc phải hủy lịch diễn để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và nghệ sĩ. Tình trạng lặp lại năm ngoái khiến nhiều nghệ sĩ không khỏi thấy nản và đau lòng, bởi anh em vừa hào hứng luyện tập cho loạt chương trình mới”, nghệ sĩ Sỹ Tiến bày tỏ.

Vở nhạc kịch cho thiếu nhi Bầy chim thiên nga tươi mới và gây hứng thú cho khán giả tổng duyệt hôm 24/4. Những tưởng nghệ sĩ tung cánh ngay tháng 5 năm nhưng đành lỗi hẹn. NSƯT, đạo diễn Ánh Tuyết kể anh em diễn viên cũng không khỏi chạnh lòng, e rằng dịp Tết Thiếu nhi không được tung tẩy trên sân khấu. Đây là lần thứ hai chị “dính đòn” COVID-19. Năm ngoái đạo diễn Ánh Tuyết dựng nhạc kịch đầu tay Trại hoa vàng xong cũng đành xếp lại chờ dịch qua đi. Nhạc kịch Bầy chim thiên nga năm nay vốn được đẩy tiến độ đón hè và “chạy” dịch, thế mà vẫn không kịp.

“Nhiều diễn viên trẻ phải hoãn hàng loạt việc bên ngoài nhà hát, thu nhập không đảm bảo, đời sống không dễ dàng. Họ phải tìm mọi cách xoay xở để trang trải cuộc sống. Không được biểu diễn có buồn khổ đấy, Ban Giám đốc động viên nhau, khích lệ diễn viên trẻ vững tinh thần. Chúng tôi lại chờ hết dịch để chim thiên nga tung cánh”, NSƯT Ánh Tuyết chia sẻ.

MỚI - NÓNG