Nghệ sĩ múa Linh Nga: Nghiêm túc với sân chơi hoa hậu

TP - Trước những chuyến quảng bá cho dự án nghệ thuật Nàng sen ở nước ngoài, nghệ sĩ múa Linh Nga - từng ngồi ghế giám khảo, chia sẻ ấn tượng về Hoa hậu Việt Nam và lời khuyên dành cho thí sinh.
Nghệ sĩ múa Linh Nga: Nghiêm túc với sân chơi hoa hậu ảnh 1

Diễn viên múa Linh Nga

Năm 2008, Linh Nga là giám khảo trẻ nhất trong dàn BGK Hoa hậu Việt Nam mọi thời kỳ. Chị còn nhớ ấn tượng nào?

Hồi đó tôi rất trẻ, là diễn viên múa nên được BTC giao chấm hình thể của thí sinh. Tôi nghĩ độ tuổi gần gũi, cùng chuyên môn múa của mình có thể nhìn nhận dưới góc độ hình thể, sức mạnh, sức bật, năng lượng của mỗi thí sinh có vẻ chắc hơn giám khảo khác.

Cảm ơn báo Tiền Phong đã giao trọng trách ấy. Lúc đó còn trẻ quá, chỉ sợ chưa được tin tưởng, nhưng lần sau, 2010, BTC lại mời chấm, có lẽ đấy là sự công nhận rồi. Tôi học hỏi được nhiều khi ngồi vào vị trí ấy - cách ứng xử của một phụ nữ với công chúng, nhất là khi nghệ thuật và cái đẹp đại diện cho Việt Nam ra thế giới.

Thẩm mỹ của chị có chênh nhiều so với các thành viên lớn tuổi hơn?

Chắc chắn là không. Lúc đó tôi lắng nghe nhiều hơn ở các thành viên lớn tuổi. Tôi chỉ nói quan điểm của mình ở góc độ nào đó, có lúc cũng muốn nói hơn một chút nhưng nghe nhiều hơn. Tôi lo chấm hình thể, còn trí tuệ và ứng xử đã có những người khác đủ bản lĩnh thẩm định.

Qua hai lần chấm thi, chị thấy thí sinh thiếu nhất điều gì?

Đến giờ phút này, sau khi làm giám khảo nhiều cuộc thi, tôi cảm nhận Hoa hậu Việt Nam là sân chơi nghiêm túc. Thứ hai là với sân chơi này, dù thắng hay thua phải ứng xử cho đúng. Ai cũng mong đạt ngôi vị hoa hậu hết, vậy không được gì cũng cần sự ứng xử đúng mực.

Linh Nga là một trong số người đẹp toát lên phong thái sang trọng - điều này có thể hoàn thiện dần?

Tôi cho rằng cái này không phải tự tạo ra được, giống thời trang không phải hôm nay mặc bộ này sẽ tôn lên đẳng cấp, hay mai thay một bộ khác để thay đổi phong cách. Đấy là văn hóa, nền tảng.

Phải xem một cô gái sinh ra trong gia đình thế nào, họ hướng đến nghệ thuật, họ yêu cái đẹp ra sao. Tôi nghĩ phong thái ấy cũng phụ thuộc độ tuổi. Có thể ở tuổi 18 - độ tuổi rất trong sáng thì họ không suy nghĩ nhiều. Nhiều hoa hậu sau bao năm, họ chín chắn, đẹp hơn lúc đăng quang. Khi đăng quang cô ấy là bông hoa mới nở, cần một thời gian cọ xát với cuộc đời để nở thêm, chín hơn.

Thơ Nguyễn Duy: “Hậu hoa hậu còn gập ghềnh lắm”, chị nghĩ sao?

Cô gái đăng quang rồi cần rất nhiều người hỗ trợ, nâng danh hiệu lên tầm cao mới. Các cô ấy cần nạp thêm năng lượng để bông hoa nở đúng cách. Hình mẫu hoa hậu được nhiều người hướng đến, với trẻ con hoa hậu như cô tiên. Mang danh hoa hậu thì từ lời ăn tiếng nói, suy nghĩ đều hướng đến công chúng, là đại diện của phái đẹp. Phải có trọng trách với cộng đồng.

Cái đẹp sẽ dung hòa theo năm tháng, theo cách sống và con đường đi của mỗi người. Tôi nghĩ công việc của hoa hậu sau đăng quang bây giờ còn quá ít. Hoa hậu không phải chỉ là những cô gái đẹp mặc đồ đẹp, đứng đó chụp các bộ hình. Nếu chỉ như thế, một ngày nào đó cô gái có thể bị lãng quên.

Thi hoa hậu đem lại nhiều cơ hội cho các cô gái trẻ, vậy theo chị vì đâu rất nhiều người đẹp không mạnh dạn đi thi?

Nhiều đứa trẻ như con gái tôi chẳng hạn, sinh ra trong gia đình làm nghệ thuật. Làm mẹ ai cũng mong con xinh xắn, thành đạt. Có lẽ một số cuộc thi làm cho khán giả mất lòng tin, không phải ở khâu tổ chức không tốt, mà có thể có người đoạt giải nào đó chưa có sức lôi cuốn lớn. Nhiều người e dè khi cho con cái đi thi vì họ không biết những người trong thế giới ấy ra sao. Nhiều gia đình lại thích cho con thử sức ở các lĩnh vực, nhưng mọi người nghĩ hoa hậu đơn giản quá, cứ hoa hậu là chỉ có xinh đẹp, cao. Từng ngồi trong BGK, tôi biết sau đêm đăng quang là chặng đường dài, giữ gìn danh hiệu sao cho xứng đáng cũng mệt lắm.

MỚI - NÓNG