Nghệ nhân Hà Thị Cầu về với Tổ

Nghệ nhân Hà Thị Cầu về với Tổ
TP - Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu đã trở về với tổ Xẩm vào trưa mồng 3 tháng ba. Bà có một cuộc đời và nghiệp hát dân gian độc đáo, trải dài gần 80 năm.

> Vĩnh biệt nghệ nhân Hà Thị Cầu
> Bu Cầu ốm thật rồi!

Xẩm thì lấy chi là vui? Thực vậy, cuộc đời người hát Xẩm thường cơ cực lại gặp cảnh thiệt phận hỏng mắt cho nên hễ nhìn người hát Xẩm là người ta hình dung ra những câu chuyện đầy bi thương ai oán. Nhưng cũng không hoàn toàn như vậy.

Cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu long đong phận nổi duyên bèo nhưng cũng nhờ những thăng trầm ấy mà người hát Xẩm đã tự tìm được niềm vui qua lời ca câu hát và sống trọn một đời với nghề mà tổ nghiệp trao cho.

Hà Thị Cầu là tên gọi theo tên người con trai cả, cách gọi phổ biến ở nông thôn miền Bắc. Tên thật của bà là Năm - Hà Thị Năm. Bà sinh ra trong gia đình ba đời theo nghiệp Xẩm, cha là trùm xẩm ở Ý Yên, Nam Định. Mấy tuổi đầu cô bé Năm đã được gia đình cho theo khắp nơi để ca hát. Nghề Xẩm thường đi đó đây để hát ca kiếm tiền, gánh Xẩm gia truyền của gia đình cô Năm cũng vậy.

Thi thoảng vào mùa xuân các gánh Xẩm ở những địa bàn khác nhau thường giao lưu học hỏi lẫn nhau, thường là vào ngày giỗ Tổ nghề 22-2 âm lịch. Có lẽ vì vậy mà cha của cô bé Năm với ông Chánh Trương Mậu trùm xẩm Yên Mô Ninh Bình trở thành bạn bè. Rồi chắc do mê tài đàn ca của trùm Mậu nên tròn 16 tuổi, cô Năm đã theo ông về Yên Mô, chấp nhận làm vợ lẽ thứ 18- vợ cuối cùng của ông trùm tài danh.

Cuộc đời ca hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu trải dài gần 80 năm kể từ 8 tuổi cho tới lúc chia xa cõi đời ở tuổi 86. Bà đã mang tiếng đàn lời ca đi khắp nơi, từ các tỉnh lân cận Ninh Bình như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình đến Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, cả miền ngược Tuyên Quang và xuôi theo tàu hỏa vào Nghệ An, Sài Gòn…

Bên cạnh đàn ca, Hà Thị Cầu còn có tài sáng tác dẫu không hề biết chữ. Năm 1977, sau ngày đất nước thống nhất, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã cảm kích sáng tác bài Theo Đảng trọn đời với những lời ca như: “Vững tâm theo Đảng nghe con/ Đạp bằng sóng gió sắt son lời thề”.

Có một kỷ niệm về bài hát này. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V năm 1982, Nhạc viện Hà Nội được giao làm chương trình biểu diễn chào mừng đã mời Hà Thị Cầu tham gia. Bà hát Theo Đảng trọn đời. Hình ảnh khó quên với nhiều đại biểu trong khán trường hôm đó là manh chiếu trải giữa sân khấu để nghệ nhân Hà Thị Cầu ngồi đó hát say sưa.

Trước đó có những lo ngại từ phía các nghệ sĩ tổ chức biểu diễn- về manh chiếu, sợ ảnh hưởng tới không khí trang trọng, nhưng Hà Thị Cầu nhất định không chịu làm khác. Và kết quả là những tràng pháo tay không ngớt dành cho tiết mục đặc sắc, đậm hồn Việt này.

Nghệ thuật đàn nhị dân gian và ca hát dân gian qua sự thể hiện của Hà Thị Cầu đạt tới đỉnh cao, chắt lọc những tinh túy. Nghe bà đàn và hát, người ta thấy một nghệ sĩ dí dỏm yêu đời, hết sức dân dã.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu được nhận nhiều bằng khen của Bộ VHTTDL, Đài Tiếng nói VN, nhận giải thưởng Đào Tấn và được phong tặng danh hiệu NSƯT. Cả cuộc đời gắn bó với ca hát dân gian, bà trở thành biểu tượng đẹp về tình yêu âm nhạc truyền thống, là tấm gương cho lớp trẻ noi theo. Lễ viếng bà bắt đầu từ 6h30 ngày 4-3, lễ đưa tang lúc 9h30 ngày 5-3 tại Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình.

Hà Thị Cầu trong mắt chuyên gia và học trò

Nhạc sĩ Thao Giang - PGĐ Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN: “Bà là một tài năng xuất chúng, tinh hoa của nghệ thuật ca hát dân gian cho tầng lớp bình dân. Bà không học âm nhạc nhưng sáng tác được nhiều làn điệu mới, chơi được đàn, soạn lời và có cách biểu diễn hết sức độc đáo. Sẽ rất khó có được một nghệ sĩ tài ba như thế”.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: “Cái hay ở bà còn thể hiện ở những góc nhỏ của cuộc đời. Bà có cuộc sống khốn khó nhưng bao năm gắn bó với bà, chưa bao giờ tôi thấy bà kêu ca đòi hỏi, có chăng chúng tôi tìm hiểu tận nơi thì mới biết được. Sau bài Bu cầu ốm thật rồi in Tiền Phong trước Tết, vừa mới tuần trước tình cờ gặp ông Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, ông có nói với tôi rằng nhờ đọc bài trên báo Tiền Phong mà ông kịp biết tình trạng của bà, đã đến thăm và biếu bà một số tiền để thuốc thang”.

Quốc Vinh, một học trò nhỏ thế hệ 8X của nghệ nhân Hà Thị Cầu đã gửi tới báo Tiền Phong bài thơ tặng bà tên là "Diễm huê thao thiết mấy nhời", nối ghép nhiều điệu Xẩm, có đoạn: THẬP ÂN bu kể một đời/Nhị hồ đủng đỉnh rối bời nhịp sênh/Miệng trầu đắng ngắt bao năm/Vai gầy trĩu nặng vuông khăn dãi dầu/Bu ơi sương trắng phủ đầu/Lầm than nọ cảnh ngựa trâu đã từng/Bu cam phận thiếp cho đành/Sắt son ở vậy thờ chồng nuôi con/CHỢ làng vọng tiếng XẨM XOAN/Hội xuân nên phách thêm giòn CHÊNH BONG/Đi qua dâu bể trầm luân/NGƯỢC ĐỜI câu hát oán-ân-sang-hèn…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG