Nghe nhạc từ đồ tái chế

Âm nhạc của Tararam không chỉ đã tai mà còn bắt mắt. Ảnh: N.M.Hà
Âm nhạc của Tararam không chỉ đã tai mà còn bắt mắt. Ảnh: N.M.Hà
TP - Sau chuyến lưu diễn Festival Huế - đại diện của nghệ thuật hiện đại Israel- nhóm Tararam ghé thăm Hà Nội. Gần 2 tiếng tại rạp Âu Cơ 21/4, nhóm đưa khán giả từ sự thú vị này đến bất ngờ khác bằng cách biến thùng phuy, xô, can rỗng, thìa, cán chổi... thành âm nhạc.

Tất nhiên không thể đem mấy nhạc cụ như thùng phuy đi lưu diễn nên đến vùng nào họ sẽ tận dụng thêm các đồ vật ở vùng đó. Họ cũng tạo âm nhạc với tay không.

Mỗi nghệ sĩ là một chiếc trống, họ tự vỗ lên ngực, tay, chân, má... tạo nên âm thanh, kết hợp với chuyển động - tạo nên vũ điệu. Họ cũng hòa tấu bằng cổ họng, mỗi người chọn một tiếng kêu. Các tiếng kêu được phát ra theo một tiết tấu cùng với tiếng đập xô tạo nên bản nhạc.

Tararam- tiếng Do Thái nghĩa là sự sôi động của âm thanh, là làm ồn một cách nghệ thuật. Quả nhiên chương trình ầm ĩ từ đầu đến đuôi nhưng người nghe lại cảm thấy tai rất dễ chịu. Ngoài ra, các nghệ sĩ còn nhảy múa, hát, chơi khẩu thuật (beat-box).

Nhóm cũng tận dụng các hiệu ứng hình ảnh, chẳng hạn dùng cưa máy xát lên nắp thùng phuy vừa tạo âm thanh vừa phát ra ánh lửa, đổ nước hoặc rắc kim tuyến lên mặt trống để chúng tung lên khi gõ.

Khán giả tích cực tham gia tạo nhạc với nhóm bằng cách hô hoặc vỗ tay theo tiết tấu của nhạc công. Một nữ khán giả trẻ còn được mời lên biểu diễn giao lưu.

Âm nhạc của Tararam phù hợp với giới trẻ ở tính năng động và sự kích thích sáng tạo. Nhóm cũng có những buổi diễn riêng dành cho trẻ em. Thông điệp của Tararam thật rõ ràng: Hãy tạo nên âm nhạc và niềm hứng khởi từ mọi thứ xung quanh bạn, thậm chí từ cả những đồ bỏ đi.

Người sáng lập và chỉ đạo nghệ thuật của Tararam là Doron Raphaeli, từng học tại Học viện Âm nhạc Jerusalem và chơi trống trong dàn nhạc của quân đội Israel. Sau thời gian du học ở Mỹ, Raphaeli về nước thành lập tứ tấu jazz Minuette và nhóm rock Latin Atraf. Mãi tới 1997, ông mới thành lập Tararam.

Tararam từng biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn như Thế vận hội Olympic 2004 tại Athens- Hy Lạp, Hội chợ triển lãm Quốc tế (World Expo) tại Đức. Nhóm tham gia nhiều Festival âm nhạc quốc tế ở Costa Rica, Slovenia, Colombia, Ấn Độ, Hàn Quốc...

Tararam đến Việt Nam với 5 người (toàn nhóm phải đến 20 thành viên). Họ chơi các “nhạc cụ” trên nền nhạc thu sẵn đa màu sắc, đôi khi mang âm hưởng của châu Phi, Trung Đông... Có công mang Tararam đến Việt Nam là khu nghỉ dưỡng Alma tại Cam Ranh, Khánh Hòa do Israel đầu tư.

MỚI - NÓNG