Nghề 'lụm bạc cắc' nhưng hốt bạc dịp cuối năm của đôi vợ chồng khuyết tật ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
"Đắt khách thì sửa 20 cái/ngày, ế thì 4-5 cái. Nghề này thấy dễ mà lại khó, nếu sai một chút là xem như đền cả chiếc quần cho khách", anh Phước, thợ sửa quần áo dạo ở TPHCM, bộc bạch.

Nghề "ba cọc ba đồng"

Ở góc đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM), anh Trịnh Hữu Phước (50 tuổi) đang bận rộn với mớ quần cần lên lai, vắt sổ. Chốc lát, một tài xế xe ôm chạy ngang, nói lớn: "Quần của em xong chưa anh Phước?".

"Chiều ghé nha em, nay nhiều "đơn" quá!", anh Phước cười, trả lời.

Nghề 'lụm bạc cắc' nhưng hốt bạc dịp cuối năm của đôi vợ chồng khuyết tật ở TPHCM ảnh 1

Anh Phước hằng ngày đều ngồi sửa quần áo ở góc đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM) (Ảnh: Nguyễn Vy).

Hàng sửa quần áo dạo của anh Phước chỉ 10m2 nhưng luôn tất bật vào những tháng cuối năm. Mỗi chiếc quần anh có thể kiếm được 15.000-40.000 đồng tiền sửa, những chiếc quần phải sửa cầu kỳ có khi tiền công lên đến hàng trăm nghìn đồng.

Vừa chia sẻ về nghề, anh Phước vừa cầm viên phấn đánh dấu vào vị trí cần được lên lai của chiếc quần. Sau đó, anh nhanh tay cắt ngay tại điểm đã đánh dấu, rồi xếp và đưa vào máy may lại. Đối với những yêu cầu đơn giản, anh Phước mất chưa đầy 5 phút đã sửa xong một chiếc quần.

Dù đây là nghề "lụm bạc cắc", nhưng anh lại thấy vui khi được… bận rộn làm việc từ sáng đến chiều. Những hôm đông khách, anh có thể nhận sửa hơn 20 chiếc quần/ngày, kiếm vài trăm nghìn đồng để mưu sinh.

Nghề 'lụm bạc cắc' nhưng hốt bạc dịp cuối năm của đôi vợ chồng khuyết tật ở TPHCM ảnh 2

Theo anh Phước, nghề này trông có vẻ dễ nhưng đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và hiểu ý khách (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Khách hàng chủ yếu là người lao động tự do, họ đi ngang thấy biển hiệu của tôi rồi tấp vô để sửa. Thỉnh thoảng cũng có vài khách đến, tiền sửa còn đắt hơn tiền mua chiếc quần", anh Phước cho hay.

Người thợ sửa quần chia sẻ, công việc của anh bắt đầu từ 7h đến 17h. Nhà ở huyện Hóc Môn nên mỗi buổi sáng, anh và vợ đều dậy rất sớm để lái chiếc xe máy cũ, đi gần 1 tiếng mới đến trung tâm thành phố.

Dàn máy may và dụng cụ sửa quần áo được anh Phước gửi ở nhà người quen, khi đến nơi thì mới dọn ra làm việc. Ngồi quần quật từ sáng đến chiều, anh Phước bộc bạch rằng có không ít lần anh quên ăn, quên uống, khiến cho anh mắc các chứng đau dạ dày và đau lưng.

Nghề 'lụm bạc cắc' nhưng hốt bạc dịp cuối năm của đôi vợ chồng khuyết tật ở TPHCM ảnh 3

Mỗi ngày, anh Phước kiếm vài trăm nghìn đồng cho 10 giờ làm việc (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Những ngày cận Tết còn đông khách hơn. Tôi vui mà cũng thấy áp lực lắm vì phải tăng tốc làm sao cho quần của khách vừa xong nhanh, vừa chuẩn đẹp. Thợ làm nghề phải tỉ mỉ và chiều ý khách thì mới mong đắt hàng", anh Phước nói.

Mơ đổi đời cho con

Nói đến đây, anh Phước chỉ vào chiếc nạng anh để trong góc.

"Tôi và vợ đều là người khuyết tật, đi đường xa thế này bất tiện lắm. Tôi từng ngã xe, gãy chân 2 lần và lần nào cũng là nhờ người dân họ đưa vào bệnh viện giúp", anh nhớ lại.

Sau những cú đau "thấu trời" ấy, người thợ chưa từng nghĩ mình sẽ bỏ nghề. Ngược lại, anh Phước xem đó là bài học để rút kinh nghiệm, lần sau cẩn thận hơn.

Nghề 'lụm bạc cắc' nhưng hốt bạc dịp cuối năm của đôi vợ chồng khuyết tật ở TPHCM ảnh 4

Chiếc nạng được anh Phước đặt trong góc (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Ông trời cho mình cái nghề nuôi mình sống, cho con mình đến trường, đâu phải nói bỏ là bỏ", anh Phước nói.

Trước đây, anh Phước bị sốt cao rồi bại liệt từ nhỏ. Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em ở tỉnh Quảng Ngãi, anh Phước là con cả nên từ nhỏ anh đã phụ giúp ba mẹ chuyện đồng áng.

Đến năm lớp 9, vì gia cảnh khó khăn và mặc cảm về ngoại hình, anh Phước nghỉ học để học nghề may, kiếm tiền phụ gia đình.

Khi hơn 20 tuổi, anh xin bố mẹ vào TPHCM để "đổi đời". Thời điểm đó, anh xin làm thợ may ở công ty của người quen rồi được mai mối với chị Hạnh (nay 43 tuổi) rồi kết hôn và sinh con. Vì muốn được tự do, anh và vợ quyết định bỏ việc, tự mở hàng may quần áo dạo đến nay.

"Giờ con chúng tôi cũng hơn 10 tuổi rồi nhưng ngay từ nhỏ cháu đã tự lập vì bố mẹ đi làm xa. Mỗi sáng, chúng tôi đều chở con đến trường, rồi con ở trường cả ngày tự ăn trưa luôn. Nghĩ thì thấy thiệt cho con, không được như những đứa trẻ xung quanh nhưng tôi không còn cách nào khác", anh Phước trầm ngâm.

Nghề 'lụm bạc cắc' nhưng hốt bạc dịp cuối năm của đôi vợ chồng khuyết tật ở TPHCM ảnh 5

Chị Hạnh, người vợ luôn đồng hành cùng anh (Ảnh: Nguyễn Vy).

Người thợ may trải lòng, đã lâu anh không về thăm bố mẹ ở quê. Hàng năm, nếu có tiền thì anh cũng chỉ về được ngày tết Thanh minh để đi tảo mộ tổ tiên.

"Năm nay hên xui, may ra trúng số thì mới về được vì tốn nhiều chi phí quá. Tết ở thành phố thì đông vui nhưng trong lòng mình thì buồn vì cuộc sống còn khó khăn. Tôi vẫn còn may mắn vì vợ con luôn bên cạnh đồng hành", anh Phước nói.

Đối với vợ chồng anh, ước mơ lớn nhất chính là mua được một căn nhà nhỏ để trú nắng, trú mưa, mở tiệm may ngay trong nhà. Nhưng rồi, anh Phước chợt phì cười, vì ước mơ đó dường như quá xa vời...

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG