TPHCM tham vấn ý kiến người dân để phát triển thành phố

Nghe dân, gỡ trăm mối ngổn ngang

Trung tâm TPHCM nhìn từ quận 2. Ảnh: Văn Minh
Trung tâm TPHCM nhìn từ quận 2. Ảnh: Văn Minh
TP - Trong bối cảnh các phương tiện cá nhân bùng nổ và chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả thì các dự án đường sắt đô thị (metro) tiếp tục lỗi hẹn, đường vành đai 2 chưa khép kín, vành đai 3, 4 vẫn còn trên giấy; các dự án chống ngập chưa phát huy hiệu quả…

Tôn trọng hiến kế của dân

Kế hoạch 305-KH/TU vừa được Thành uỷ TPHCM ban hành vào tháng 9 vừa qua để khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng TPHCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước. Đây được cho là sự cầu thị và tôn trọng nhân dân.

Kéo dài trong nhiều tháng, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, Ban Thường vụ Thành ủy và đứng đầu là Bí thư Thành ủy sẽ lắng nghe ý kiến, góp ý của nhân dân nhằm xây dựng và phát triển TP: Lần tham vấn, nghe dân này, lãnh đạo TPHCM muốn khơi gợi và phát huy hơn nữa tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm của dân để họ đóng góp trí tuệ, tâm huyết góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM về mọi mặt. Theo kế hoạch này, Thành ủy TPHCM mong muốn sẽ tiếp nhận những ý kiến đánh giá khách quan, toàn diện của toàn thể nhân dân về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đề ra. Ngoài ra, tiếp thu những ý kiến, góp ý cho việc xây dựng văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Thành ủy TPHCM cũng mong nhận được các hiến kế, các giải pháp mang tính đột phá thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá của TP. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị; chống ô nhiễm môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển hạ tầng xã hội, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa - thể thao; phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo…

Metro, vành đai… gặp khó

Mới đây, trong một văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải để chuẩn bị báo cáo Quốc hội, UBND TPHCM cho biết, dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2007, dự kiến hoàn thành năm 2017 và đưa vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên, do chậm trễ giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành (nhằm tích hợp các tuyến metro số 1, 2, 3a, 4) nên thời gian dự kiến lùi tới năm 2020.

Qua rà soát, cập nhật lại tiến độ điều chỉnh dự án (điều chỉnh tổng mức đầu tư), Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) điều chỉnh thời gian đưa công trình vào khai thác quý 4/2021. Theo UBND TPHCM, dự án metro số 1 đang thực hiện các thủ tục pháp lý về điều chỉnh tổng mức đầu tư nên chưa đủ điều kiện để được bố trí vốn từ ngân sách trung ương.

Từ năm 2017 tới nay, UBND TPHCM đã tạm ứng vốn từ ngân sách để dự án vẫn tiếp tục triển khai theo tiến độ cam kết của nhà tài trợ. TPHCM đã tạm ứng 3 lần cho dự án metro số 1 với tổng số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng để trả cho các nhà thầu nhưng chưa được hoàn lại vì còn một số thủ tục chưa xong. Để chủ đầu tư kịp trả tiền cho nhà thầu thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, TPHCM kiến nghị Trung ương cấp phát hơn 3.700 tỷ đồng. Số tiền này là vốn ODA chưa giải ngân trong năm 2019 cho TPHCM. Động thái này theo UBND TPHCM là nhằm bảo đảm tiến độ dự án và tránh khiếu kiện từ phía nhà thầu thi công.

Chiều 2/10, đại diện MAUR cảnh báo tuyến metro 1 chậm tiến độ, không chỉ người dân không được hưởng các tiện ích đáng ra được hưởng mà quan hệ với các đối tác nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho các dự án khác. Đó là chưa kể có thể xảy ra tranh chấp các hợp đồng quốc tế đã ký với các nhà thầu.

Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng phải tiếp tục điều chỉnh mốc thời gian hoàn thành từ 2024 đến năm 2026 cho phù hợp với thực tế, vì thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư vẫn chưa xong. Hiện nay, công tác đấu thầu dự án này phải tạm ngưng để chờ hoàn tất thủ tục pháp lý.

Tại hội nghị giao ban giữa thường trực Thành ủy, UBND TPHCM với 24 quận huyện diễn ra ngày 1/10, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang cảnh báo: Ngân hàng Tái thiết Đức, một trong các nhà tài trợ vốn cho dự án tuyến metro số 2 đã yêu cầu nếu không thực hiện một số hạng mục của metro thì sẽ cắt tài trợ vì thời gian đã kéo dài 10 năm. “Rất căng vì dự án này đi qua 6 quận huyện. Nếu không có giải pháp, TPHCM sẽ không còn cơ hội nhận vốn tài trợ”, ông Quang nói.

Trong khi các dự án mertro chưa biết khi nào về đích thì các tuyến đường vành đai cũng có số phận tương tự, đường vành đai 3, 4 vẫn còn nằm trên giấy.

Đường vành đai 2 dài 64 km, quy mô từ 6 - 10 làn xe hiện nay vẫn còn 4 đoạn chưa khép kín gồm: Đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (dài 2,75 km) đang triển khai nhưng vướng giải phóng mặt bằng. 3 đoạn còn lại gồm: từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (dài 3,82 km), từ nút giao Bình Thái đến Phạm Văn Đồng (dài 1,99 km), đoạn Vành đai 2 phía Nam (nút giao thông An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, dài 5,3 km) đang kêu gọi nhưng chưa có nhà đầu tư.

Dân còn khổ vì ngập, ô nhiễm…

Bên lề hội nghị giao ban của Thành ủy ngày 1/10,  Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thừa nhận triều cường dâng cao gây ngập mấy ngày qua thực sự làm người dân khốn khổ và UBND TPHCM rất sốt ruột khi công trình ngăn triều, chống ngập vẫn chưa hoàn thành. Tình trạng ngập nước liên quan đến nhiều công trình trong nội ô, nhưng nếu dự án chống ngập 10.000 tỷ hoàn thành thì sẽ ngăn được triều cường từ bên ngoài tràn vào TPHCM.

“Thành phố đang tìm mọi cách để đẩy nhanh tiến độ. Riêng về giải ngân nguồn vốn, tôi đã nhiều lần làm việc với các cơ quan Trung ương, Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ. Tình hình đang rất thuận lợi, công trình này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2020”, ông Hoan khẳng định.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đánh giá sau gần 3 năm thực hiện chương trình giảm ngập nước, TPHCM không còn ngập như 5-7 năm trước đây song nhiều mục tiêu vẫn khó hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Vẫn còn một số công trình sau khi hoàn thành thì đường vẫn ngập cục bộ trong một thời gian ngắn rồi mới rút hết. Nghiêm trọng nhất là dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (quận 6 và quận Bình Tân) sau khi hoàn thành thì đường hết ngập nhưng nước lại tràn vào nhà dân. “Chống ngập không chỉ thuần túy là cốt nền, nâng đường mà phải dùng nhiều biện pháp tổng hợp. Có thể để ngập đường trong thời gian ngắn nhưng đồng thời không để cho nhà dân bị ngập”, ông Hoan nói.

Ông Võ Văn Hoan nhìn nhận, tình trạng ngập úng còn xuất phát từ nguyên nhân các quy hoạch như thoát nước, xây dựng, cốt nền đã quá cũ kỹ, lạc hậu và không phù hợp với tình hình hiện tại. Ngoài ra, công tác chỉ đạo còn lúng túng, tầm nhìn các đơn vị tham mưu mới chỉ dừng lại ở ứng phó, đối phó những gì đang diễn ra chứ chưa có tầm nhìn chiến lược, xây dựng cơ chế chính sách giải quyết triệt để.

Một lý do khác cũng được ông Hoan chỉ ra là sự chồng chéo trong phân cấp quản lý chống ngập giữa các sở, ngành và địa phương. Để giải quyết bất cập này, TPHCM đã chuyển chức năng quản lý Nhà nước về Sở Xây dựng, chức năng đầu tư, quản lý dự án về Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị.

“Cần thẳng thắn nhìn nhận việc giám sát, quan trắc, dự báo chúng ta làm chưa tốt”.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân


MỚI - NÓNG