Nghệ choa cũng đi học à?

Nghệ choa cũng đi học à?
TP - Cựu Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh Trương Kiện kể chuyện ông dẫn đầu đoàn cán bộ Nghệ An ra Thái Bình học kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp đạt 5 tấn thóc/ha. Trước khi xuống Thái Bình, họ được gặp Bác Hồ.
Nghệ choa cũng đi học à? ảnh 1
Bác Hồ về thăm quê năm 1961 (ông Trương Kiện người hàng đầu thứ nhất bên trái)

Khoảng giữa năm 1967, ông Trương Kiện là Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu được tỉnh điều lên phụ trách cụm Yên - Diễn - Quỳnh  (Yên Thành - Diễn Châu - Quỳnh Lưu).

Trụ sở Tỉnh ủy sơ tán lên Đô Lương. Một buổi sáng nghe Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin: “Thái Bình đạt năng suất 5 tấn thóc/1ha”. Ông Võ Thúc Đồng lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An gọi ông Trương Kiện lên nói:

“Nghệ An mình làm hết hơi mà cả hai vụ chỉ đạt có 1,8 tấn. Thái Bình đạt những 5 tấn/ha, ghê thật…Tỉnh sẽ cử cậu ra Thái Bình, học cách làm 5 tấn của họ để về áp dụng trên quê hương mình”.

Ông Trương Kiện dẫn đầu đoàn 24 người lên đường. Trước khi đến Thái Bình, đoàn ra Hà Nội gặp ông Hoàng Anh lúc ấy là Thường trực Ban Bí thư  phụ trách nông nghiệp xin nhờ giới thiệu và chỉ dẫn cho Nghệ An đến Thái Bình học kinh nghiệm...

Dẫu rất bận nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian tiếp người nhà, tại nhà khách số 4 Chu Văn An. Câu đầu tiên Bác nói: “Nghệ choa cũng đi học à?”.

Sau câu nhận xét ấy, Bác khẳng định: “Chú Ngô Duy Đông và dân Thái Bình làm kinh tế rất giỏi. Nghệ ta về đó mà học. Phải học bằng được.

Học rồi phải về xây dựng mô hình ở trong quê cho người khác cùng đến học mà làm, quyết phải làm bằng được. Nghệ ta phải là tỉnh thứ hai sau Thái Bình đạt 5 tấn thóc... để góp phần đánh Mỹ và thắng Mỹ”.

Tôi hỏi cựu Bí thư Trương Kiện: Hồi đó, ông hiểu thế nào về câu “Nghệ choa cũng đi học à?”.

Ông Trương Kiện giải thích: Câu ấy rất đậm chất Nghệ. Nói “Nghệ choa ...” là Bác muốn ngầm nhắc đến cái tính tự phụ của người xứ Nghệ. Tự phụ gì thì tự phụ nhưng người ta giỏi hơn mình thì phải học.

Ông Trương Kiện kể tiếp: 

Sau khi được Tỉnh ủy Thái Bình nhiệt tình bố trí cho dân Nghệ cùng ăn, cùng ở, học cách làm nên 5 tấn, ông Trương Kiện cho người về lấy chất đất ở các huyện Diễn -Yên - Quỳnh- Hưng Nguyên đưa ra nhờ kỹ sư thổ nhưỡng Nguyễn Văn Luật - Trợ lý cho Bí thư Ngô Duy Đông (sau này là Viện trưởng viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long) - xem xét phân tích, đưa ra kết luận: Đất Nghệ An cũng giống đất Thái Bình, nếu cộng thêm lòng quyết tâm của con người thì sẽ làm được 5 tấn và cao hơn thế.

Nghệ choa cũng đi học à? ảnh 2
Ông Trương Kiện
Tôi hỏi ông Trương Kiện: Trong những lần được trực tiếp gặp Bác Hồ, câu nói nào của Bác khiến ông ghi nhớ sâu đậm nhất?

Ông Trương Kiện nói: “Nghệ choa cũng đi học a?” - Lời Bác nói trước khi xuống Thái Bình. Khi về gặp lại, Bác hỏi rất trìu mến:

“Nghệ ta đã học được Thái Bình chưa?”. Bao nhiêu điều răn dạy trong hai tiếng “Nghệ choa...”.

Bao nhiêu niềm sung sướng được cổ vũ động viên từ hai tiếng “Nghệ ta” chỉ riêng những người dân Nghệ An mới có được niềm vinh hạnh ấy.

Càng kể chuyện, ông Trương Kiện càng say sưa: Vụ Đông Xuân 1967 - 1968 trọn nửa năm người Nghệ ra mượn đất cày cấy, nuôi bèo dâu làm phân bón chăm sóc lúa xuân, ăn Tết Mậu Thân trên đất Thái Bình.

Có một cậu cán bộ của Hưng Nguyên trốn về Tết mấy hôm, mò ra mình cho đuổi luôn và đề nghị cơ sở kỷ luật khai trừ Đảng. Phải làm nghiêm vì kỷ luật thời chiến. Kết quả đợt mượn đất sản xuất, ruộng của đoàn làm thu hoạch đạt trên 5 tấn/ ha.

Sắp kết thúc đợt học tại Thái Bình, từ Nghệ An thêm một đoàn đầy đủ thành phần gồm các ông: Võ Thúc Đồng - Bí thư  Tỉnh ủy, Nguyễn Sỹ Quế- Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Kim Ban, Trưởng ban tuyên huấn, Nguyễn Như Dụ -Thường vụ phụ trách nông nghiệp cũng ra Thái Bình tham quan.

Cả hai đoàn nhập lại về Hà Nội báo cáo kết quả với Bác. Cũng tại nhà khách số 4 Chu Văn An, Bác Hồ tiếp đoàn cán bộ Nghệ An lần thứ hai vào khoảng tháng 6/1968.

Lần này Bác tươi cười: “Nghệ ta đã học được Thái Bình chưa?”. Nhiều tiếng đồng thanh trả lời: “Thưa Bác, học được rồi ạ!”. Bác lại hỏi: “Thế học xong rồi về mần những chi?”.

Không đợi câu trả lời, Bác nói luôn: “Học về là phải làm. Không những chỉ tạo ra 5 tấn, 7 tấn… đạt  năng suất cao mà phải tạo ra mô hình trong quê để nhiều người khác đến đó mà học và phải làm được rồi nhân rộng ra. Chú mô phụ trách nông nghiệp?...”.

Ông Dụ đứng dậy: “Dạ thưa Bác, cháu ạ!”. Bác hỏi: “Hiện nay Nghệ An chia làm mấy huyện?”. Ông Dụ còn lúng túng chưa kịp trả lời. Bác nói luôn: “Nghệ An có 5 phủ 6 huyện. Chú đã đi xuống hết các huyện chưa?”.

Ông Dụ thật thà trả lời: “Dạ còn hai huyện miền núi chưa lên được ạ!”. Bác dặn: “Các chú về phải đi xuống các huyện bày cho dân làm rồi học dân mà làm chứ không phải xuống chỉ để uống rượu, ăn thịt chó...”.

Khi Nghệ An đem lúa Xuân về làm đại trà đạt 5 tấn, Hà Tĩnh, Quảng Bình ra học về làm cũng đạt 5 tấn trên diện rộng.      

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.