Chiều 15/2, thượng tá Đậu Công Hương (Phó trưởng Công an huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho hay, 3 xã trên địa bàn xảy ra việc đốt pháo đêm giao thừa Tết Bính Thân là Diễn Tháp, Diễn Hồng và Diễn Kỷ. Xã Diễn Bích là địa phương thứ tư được xác định là có pháo nổ đêm giao thừa sau khi xuất hiện clip do người dân đăng tải.
Việc đốt pháo gây ra hai vụ tai nạn khiến hai người bị thương phải nhập viện. "Cơ quan điều tra đã bắt 4 vụ đốt pháo, xử phạt hành chính 2 người với số tiền 2,5 triệu đồng", thượng tá Hương nói và cho biết để xảy ra tình trạng nổ pháo chắc chắn trưởng công an xã sẽ bị kỷ luật. Mức độ thế nào còn tuỳ từng trường hợp
Đề cập về clip dài 3 phút 36 giây được đăng tải trên một tài khoản Facebook vào trưa 8/2 (mùng 1 Tết) quay cảnh người dân bắn pháo hoa trong thời khắc giao thừa, được cho là xảy ra tại huyện Diễn Châu, Phó chánh văn phòng UBND huyện Diễn Châu Nguyễn Huỳnh Trình, cho biết huyện chỉ nắm được thông tin khi báo chí phản ánh.
"Huyện chỉ đạo công an, các đơn vị liên quan vào cuộc điều tra song đến hôm nay chưa có kết quả", ông Trình nói.
Dù không khẳng định video được quay tại xã mình nhưng ông Lê Văn Đỉnh, Trưởng Công an xã Diễn Tháp thừa nhận việc nhiều người dân trong xã đốt pháo hoa đêm giao thừa là có thật. Chính quyền gặp khó khi xử lý và dường như bất lực.
"Chúng tôi trực tiếp nhìn thấy một số người đốt pháo ngay tại nhà riêng. Do đó thời khắc giao thừa nhạy cảm, nếu xông vào lúc đó người ta rất kiêng kỵ, một mặt hầu hết nhà dân đều kín cổng cao tường nên cơ quan chức năng gặp khó khăn", ông Đỉnh nói và thừa nhận để xảy ra tình trạng này ông nhận trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ với cấp trên.
Hình ảnh được xác định là pháo hoa đêm giao thừa Tết Bính Thân tại huyện Diễn Châu.
Chứng minh về về tình trạng người dân địa phương bất chấp pháp luật để nổ pháo, vị trưởng Công an xã cho hay, nhiều năm trước đây không chỉ Tết Nguyên đán mà ngay trong đám cưới, ngày lễ lớn, Tết Dương lịch, 23 tháng chạp đều xuất hiện tiếng pháo.
Để ngăn chặn, từ năm 2013 xã Diễn Tháp ra quy định các cặp trai gái khi đăng ký kết hôn phải "đặt cọc" 2.000.000 đồng kèm theo bản cam kết trong dịp cưới - hỏi không được để xảy ra việc đốt pháo. Nếu không, họ sẽ bị phạt số tiền nói trên, không được trao giấy chứng nhận kết hôn. Nhờ đó tình trạng đốt pháo đã giảm hẳn.
Nghệ An là điểm nóng về buôn bán, tàng trữ pháo. Báo cáo của Công an tỉnh tại cuộc họp về tuyên truyền phòng chống pháo nổ dịp Tết Bính Thân sáng 4/2 cho biết, từ ngày 30/9/2015 đến hết 1/2016, toàn tỉnh bắt 203 vụ với 263 người sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ. Gần 2,6 tấn pháo các loại bị tịch thu, tăng 0,9 tấn so với cùng thời điểm 2015.
Sau đêm giao thừa Tết 2016, nhiều xác pháo được ghi nhận trên các tuyến quốc lộ tại địa phương này.