Đồng loạt kháng cáo phần dân sự
Theo Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm, trong vụ án này, ngay sau khi TAND TPHCM tuyên án sơ thẩm hồi tháng 9/2020, loạt công ty liên quan đã có kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm này, các công ty vẫn đang bảo lưu nội dung kháng cáo.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Theo đó, Cty Hoa Tháng Năm kháng cáo không đồng ý bị tịch thu sung công quỹ nhà nước vốn góp của công ty này là 189 tỷ đồng; Cty CP Kim khí và Cty CP thiết bị Phụ tùng Sài Gòn kháng cáo yêu cầu hủy nội dung án sơ thẩm tuyên buộc phải nộp lại 50 tỷ đồng.
Cty CP lavenue đề nghị giữ nguyên việc giao đất, cho thuê đất, giấy CNQSD đất, hợp đồng thuê đất đã cấp cho công ty này và Cty TNHH đầu tư Kino đề nghị tiếp tục được tham gia dự án.
Ngoài ra, các bị cáo và người liên quan cũng kháng cáo đề nghị bỏ Lệnh kê biên tài sản...
Viện Kiểm sát nói gì?
Tại phiên tòa chiều hôm qua (29/11), đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM, giữ công tố tại phiên tòa phúc thẩm đã nêu quan điểm.
Đại diện Viện Kiểm sát đang nêu quan điểm giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm chiều 29/11. |
Theo đại diện Viện Kiểm sát, với kháng cáo của Cty Hoa Tháng Năm không đồng ý bị tịch thu phần góp 30% vốn vào Cty CP Lavenue. Viện Kiểm sát nhận thấy, số tiền trên 630 tỷ đồng là nghĩa vụ tài chính mà Cty Lavenue đã nộp vào ngân sách nhà nước khi giao nhận khu đất 8-12 Lê Duẩn để thực hiện dự án.
Cty Hoa Tháng Năm do bị cáo Lê Thị Thanh Thúy làm chủ sở hữu, việc thành lập Cty Hoa Tháng Năm là phương thức để bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo đã sử dụng chính phần vốn góp của mình để thực hiện hành vi phạm tội. Theo Viện Kiểm sát thì bản án sơ thẩm tuyên thu hồi vốn góp của Cty Hoa Tháng Năm sung công quỹ là có căn cứ.
Về kháng cáo của Cty CP Kim khí và Cty CP thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Viện Kiểm sát nêu, đây là số tiền mà 2 công ty này hưởng lợi từ khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội. Án sơ thẩm tuyên tịch thu sung vào ngân sách nhà nước là đúng quy định.
Đối với kháng cáo của Cty CP Lavenue, Viện Kiểm sát nêu, vụ án xảy ra do các bị cáo trong vụ án không thực hiện đúng quy định của nhà nước về giao đất, cho thuê đất, không đúng đối tượng, không đúng quy trình và trình tự quy định, gây thất thoát. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã bị xét xử, vì vậy các văn bản, quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến tài sản 8-12 Lê Duẩn trong thời gian thực hiện hành vi phạm tội, đều không còn hiệu lực và giá trị sử dụng.
Kháng cáo đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án tại số 8-12 Lê Duẩn của Cty TNHH Đầu tư Kito, Viện Kiểm sát cho rằng không thuộc thẩm quyền của HĐXX mà thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước là UBND TPHCM. Cty Kito có thể liên hệ UBND TPHCM để được trả lời.
Liên quan tới kháng cáo bỏ Lệnh kê biên tài sản của cựu Giám đốc Sở TN&MT TPHCM Đào Anh Kiệt và Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư Quận ủy quận 2), Viện Kiểm sát cho rằng, quá trình điều tra làm rõ đã kê biên tài sản chung của vợ chồng bị cáo, các bị cáo có nghĩa vụ bồi thường dân sự nên án sơ thẩm kê biên ½ giá trị là có căn cứ, đảm bảo quyền lợi vợ và gia đình bị cáo, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của 2 bị cáo.