> Lần đầu có liên hoan cho nghệ sĩ hài
Nghệ sĩ thắp hương tổ nghề sáng 8-9 tại Nhà hát Kim Mã. Ảnh: H.H. |
Tối nay, nghệ sĩ TPHCM gặp gỡ nhau tại Nhà hát Quân đội với nhiều hoạt động sôi nổi. Từ triển lãm hình ảnh vở diễn, biểu diễn ngay sảnh nhà hát cho đến chương trình chính trong khán phòng: Tổ khúc Miền nhớ khái quát quá trình phát triển cải lương; Độc thoại Dương Vân Nga; trích đoạn Nỏ thần; ca nhạc Hùng thiêng Âu Lạc; biểu diễn trang phục lịch sử các nhân vật sân khấu với sự tham gia: Hoài Linh, Quyền Linh, Quách Ngọc Ngoan…
Hà Nội mở hội từ sáng qua, bằng lễ khai mạc do Hội nghệ sĩ Sân khấu chủ trì tại Nhà hát Kim Mã. Kịch, chèo, cải lương, múa rối, nghệ thuật xiếc… điểm danh trên sân khấu trước khi bước vào màn diễn văn, chúc tụng.
Nghệ sĩ tụ họp trong ngày hướng về tổ nghề cũng để chứng kiến lễ vinh danh các tác giả, nhà nghiên cứu phê bình, nghệ sĩ nhân dân cao tuổi nhiều đóng góp như: GSTS. NSND Đình Quang, nhà văn Học Phi, nhà nghiên cứu Mịch Quang, GS. Hà Văn Cầu, Phạm Thị Thành, Mạnh Tường…
Sau khi nhận tôn vinh của Hội, NSND Đình Quang bày tỏ: “Ngày xưa cha ông ta chịu tiếng xướng ca vô loài, tôi tự hỏi làm sao cha ông gìn giữ lời ca tiếng hát đến tận hôm nay? Đó chỉ có thể nhờ lòng yêu nghề tha thiết, nghị lực phi thường. Tôi tin rằng sân khấu sẽ phát triển nếu nghệ sĩ có lòng yêu mến nghệ thuật, vượt qua mọi khó khăn. Đó là cách để tỏ lòng biết ơn tổ nghề vượt qua khinh mạt xã hội, truyền lại di sản nghệ thuật đến ngày nay”.
NSND Trọng Khôi cũng kỳ vọng, không gì đẹp bằng nghệ sĩ trẻ tuổi nhiều thành tích, thậm chí vượt các thế hệ cha anh.
Thế nhưng, khán phòng hơn 500 ghế của nhà hát Kim Mã trong buổi sáng kỷ niệm trống không ít ghế, thiếu vắng nhiều người trẻ. NSƯT Chí Trung than, không hề nhận được thông báo nào từ Hội, đành thuộc số nghệ sĩ đứng ngoài cuộc vui:
“Về lý thuyết ngày sân khấu dành cho tất cả nghệ sĩ, nhưng ngoài Bắc chưa thành phong trào như trong Nam. Ngành nào cũng có tổ nghề. Không phải cứ đến ngày giỗ tổ thắp hương, khấn vái thì có nhiều khán giả đâu. Cải tổ bằng cách khác cơ: Trong lĩnh vực sân khấu, duy tâm thần thánh không cứu được. Nghệ sĩ trong Nam, họ ý thức rất rõ chính khán giả mới là nguồn nuôi sống sân khấu”.
Thực trạng sân khấu phía Bắc lâu nay vẫn là niềm day dứt của không ít nghệ sĩ. Cứ mỗi dịp hội diễn, hội thảo, họ đau đáu nỗi niềm tìm cách tự cứu mình, làm sao kéo khán giả đến rạp. Nhà hát ở thủ đô, thành phố lớn còn khó, nói gì địa phương.
Gặp NSƯT Lương Duyên, Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nam ở Ngày sân khấu, chị được dịp nói thay đồng nghiệp: Nhiều nghệ sĩ địa phương còn vất vả tìm điểm diễn. Thu nhập thấp, phải chạy vạy làm thêm đảm bảo mưu sinh, ảnh hưởng một phần đến chất lượng nghệ thuật, dù không ít nghệ sĩ nghiêm túc.
Tỉnh Hà Nam duy nhất có Nhà hát Chèo, cũng có thể coi là may mắn, vì còn được dịp bận rộn diễn trong tỉnh, huyện, phục vụ lễ hội, vùng sâu xa, giao lưu vừa để nhìn xa trông rộng, lại đảm bảo doanh thu được giao cho hằng năm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thành được dịp nhắc lại vấn đề khán giả lãnh cảm với sân khấu lâu nay: “Vấn đề này vượt ra ngoài tầm riêng một giới nghệ sĩ sân khấu, nó động chạm đến nhiều khâu, liên quan đến không khí thời đại. Chúng ta đang sống thời đại mà ở đó tâm thế thực dụng, theo đuổi tiện nghi đang ở thế thượng phong.
Tâm thế nghệ thuật suy giảm nghiêm trọng so với thời kỳ sùng bái nghệ thuật như 2 thế kỷ trước- coi việc đến với nghệ thuật, nhà hát, đọc sách như bữa tiệc tinh thần. Muốn giải quyết triệt để, phải chờ tâm thế của con người bình ổn trở lại”.
Tuy thế không thể đổ hết cho xu thế, bởi điện ảnh, nhạc nhẹ vẫn có đốm sáng thu hút công chúng. “Chúng ta không thiếu nghệ sĩ, diễn viên có sắc tài, thu hút công chúng, hứa hẹn kế thừa lớp đi trước: Thành Lộc, Hồng Vân, Lan Hương, Xuân Bắc, Trung Hiếu... Nhưng lại thiếu tác giả tiên phong.
Sự ra đi của những Đào Hồng Cẩm, Tào Mạt, Lưu Quang Vũ, Xuân Trình dường như không thể bù đắp nổi. Theo dõi mỗi kỳ hội diễn chuyên nghiệp thì biết, chất lượng sân khấu sụt giảm, khó mà trách khán giả quay lưng”, ông Thành nói.