Ngày hội của âm nhạc... bị bỏ quên

Ngày hội của âm nhạc... bị bỏ quên
TP - Một liên hoan âm nhạc quốc tế đẳng cấp tên là Ngày hội Âm nhạc đương đại vẫn âm thầm tổ chức tại TPHCM tới đây là lần thứ 5 mà ít được công chúng biết đến. Có những năm các nhạc sĩ trong và ngoài nước tự góp tiền, góp tác phẩm để “liên hoan” với nhau.

> Nhạc Việt nghiêng về đâu?
> Phương Vy Idol biểu diễn cùng ca sỹ nổi tiếng thế giới

Ngày hội quy tụ các nhạc sĩ hiếm hoi vẫn đang sáng tác khí nhạc ở Việt Nam và quốc tế. Một lý do khiến liên hoan này ít được biết đến có thể vì nhà tổ chức là người Việt chứ không phải các tổ chức văn hóa nước ngoài.

Trong ba đêm diễn 14 đến 16/11, đêm giữa dành cho thể loại âm nhạc kể trên. Nơi diễn ra là khán phòng Nhạc viện TPHCM sức chứa 400 người. Ngoài ba đêm diễn còn có hai buổi nói chuyện về nhạc đương đại.

Đêm 14 dành cho tam tấu Maechelor (sáo, violon, piano) đến từ Berlin, Đức. Đêm 16 dành cho tác phẩm Truyền thuyết hồ Gươm theo kịch bản và “đặt hàng” của Đỗ Kiên Cường, chia làm 6 chương: Lầm than, Khởi nghĩa, Kiếm thần, Chiến thắng, Rùa vàng và Ngự thuyền rồng. Tùy theo tính chất âm nhạc của mỗi chương mà anh chọn mặt gửi vàng một tác giả, có khi là người nước ngoài.

Nhạc sĩ Đỗ Tuấn - đại diện duy nhất của Hà Nội phụ trách chương Lầm than. Anh mất 10 tháng để hoàn thành một tập giấy A4 chừng 20 trang viết cho dàn nhạc giao hưởng, nếu trình diễn sẽ được 10 phút. Ngoài các bè cho dàn nhạc có một dòng để trống dành cho ngẫu hứng- báo hiệu tính đương đại của tác phẩm. Một tác phẩm nữa của anh tham gia liên hoan là Trên phố xưa Hà Nội.

Đỗ Tuấn cho rằng dùng từ “mời sáng tác” đối với các nhạc sĩ trong trường hợp này thì đúng hơn là “đặt hàng”. “Nếu tính theo thời gian tôi bỏ ra thì số tiền nhận được gần như bằng không”, anh chia sẻ. Anh e rằng số tiền 500USD nhận được từ BTC không đủ trang trải cho tiền vé máy bay và 10 ngày ở TPHCM dàn dựng tác phẩm và tham dự liên hoan.

Năm nay BTC xin được tài trợ từ một quỹ nghệ thuật của Na Uy. Đợt 2011, các nghệ sĩ tự lo kinh phí. Tác phẩm cần bao nhiêu nhạc công thì họ phải lo mọi chi phí cho nhạc công đó luôn. Nghệ sĩ ở nước ngoài thì tự đi xin tài trợ để có tiền bay sang Việt Nam.

Nhạc trưởng Đỗ Kiên Cường không quá bi quan về tình hình. Từng du học ở Mỹ, anh cho hay giá vé của những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới trong dòng nhạc cổ điển thời điểm này ở bên đó cũng chỉ ở mức 5USD, khán phòng độ trăm người. Vấn đề là họ vẫn diễn đều. Bản thân anh từng tham gia một buổi diễn nhạc rock bằng các nhạc cụ cổ điển. Ban nhạc có 7 cây trong khi khán giả chỉ 10 người. “Nhạc sĩ nào nhao ra thị trường có tiền hơn một chút”, anh kể. “Còn người ta vẫn sáng tác, vẫn âm thầm làm việc như vậy. Sự đánh giá để dành cho hậu thế”.

Đỗ Tuấn chia sẻ: “Ngày nay, có đủ mọi dòng nhạc để phục vụ mọi đối tượng. Quy luật chung là sự đào thải. Đến một ngày người ta mong muốn tìm lại một giá trị thật của đất nước, thì sẽ phải tìm cái gì chất chứa trí tuệ trong đó. Âm nhạc bao trùm rất rộng chứ không phải chỉ có hát một vài bài. Một ngày không xa giá trị thực sẽ được trân trọng. Quan điểm của tôi là cứ lặng thầm mà làm việc”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.