Ngày đầu năm, người Ba Na cúng Yàng xin sức khoẻ

Già làng Hmunh thực hiện lễ cúng Yàng
Già làng Hmunh thực hiện lễ cúng Yàng
TPO - Ngày đầu năm Tết  Kỷ Hợi 2019, già làng đến nhà rông làm lễ cúng xin Yàng (trời, thần linh) ban cho mọi người sức khoẻ, mùa màng bội thu. Phong tục này góp phần giúp người Ba Na đoàn kết, gắn bó với nhau.   

Xin sức khoẻ

Cách thành phố Pleiku (Gia Lai) hơn 120km, làng Mơhra còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hoá đặc trưng của người Ba Na. Nơi đây thuộc địa giới hành chính xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). 

PV Tiền Phong gặp già làng Hmunh (70 tuổi), một thương binh thời chống Mỹ trong buổi chiều khi ông đang chăn bò ở triền núi sau nhà. Dân làng Mơhra tín nhiệm giao cho ông nhiệm vụ xin Yang cho gần 500 người con làng Mơhra sức khoẻ, mùa màng bội thu.

“Mình không làm điều xấu, không nói dối nên người dân cho mình được làm lễ cúng xin Yang cho sức khoẻ, lúa gạo. Mình là người lính cụ Hồ, cháu bác Núp (Anh hùng Núp - PV) nên không mê tín dị đoan, không cúng để chữa bệnh. Dân làng Mơhra hay nơi khác bị đau ốm mình nói phải đến bệnh viện”- già làng Hmunh nói.

Ngày đầu năm, người Ba Na cúng Yàng xin sức khoẻ ảnh 1 Phụ nữ Ba Na giã gạo để nấu cơm cho lễ cúng đầu năm

Lễ cúng xin Yang sức khoẻ rất quan trọng đối với người Ba Na vào đầu tháng 1/2019 (âm lịch), phải có mặt tất cả mọi người trong làng. Bởi vậy, nếu ngày mai cúng thì buổi chiều phải thông báo để bà con chuẩn bị. 

Lễ vật cúng do cả làng góp tiền mua, gồm 1 con heo cái được nấu thành 3 món, 1 con gà mái, 1 quả trứng gà. Nấu cơm vào 3 nồi Gọ bảy (nồi đồng) có kích thước khác nhau. Gọ bảy nhỏ được nấu đầu tiên phải là gạo mới, nồi phải rửa thật sạch, cơm này sẽ cho những người lớn tuổi trong làng ăn; 2 nồi còn lại sẽ nấu cơm cho cả làng ăn. Nếu các cụ già, thầy cúng ăn dư phải chia lại cho con cháu, không được mang về hay vứt bỏ. 

Ngày đầu năm, người Ba Na cúng Yàng xin sức khoẻ ảnh 2

Thủ tục hoàn tất thì trải một cái chiếu mới mua để thầy cúng làm lễ vào 13h chiều. “Mình làm lễ trong nhà rông. Lễ xong mọi người ăn uống phải nói chuyện lịch sự, không được ca hát nhảy múa."- Già làng Hmunh nói. 

Sau khi xin sức khoẻ cho dân làng vài ngày, già làng Hmunh sẽ chọn một ngày trời nắng đẹp để thực hiện lễ Kuai – xin mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Lễ cúng có 1 con heo, 1 con gà, rượu, 1 cây le được chặt trong rừng. Già làng Hmunh tự tay vót cây le, giữ lại 3 đốt có nhánh dài, liền kề nhau. Ngọn cây le được cột 3 chiếc vòng tròn làm bằng tre, tiếp theo cột sợi dây rừng dài chừng 1m, cuối sợi dây này cũng được 3 chiếc vòng bằng tre. 

Trước khi tiến hành cúng già làng Hmunh sẽ đốt nhựa cây Gul có mùi rất thơm để “gọi” Yang về. “Loại nhựa này rất khó tìm, phải đi rừng nhiều ngày may mắn mới thấy” – già làng Hmunh kể. 

“Lễ cúng năm mới  là một nét đẹp của văn hóa truyền thống Ba Na, là dịp để mọi người trong cộng đồng gặp gỡ, trò chuyện, chung vui đồng thời nhìn lại 1 năm đã qua, cam kết cùng nhau có sự chứng kiến của thần linh sẽ sống tốt, sống có ích trong năm mới. Đó là điều đáng quý, nên gìn giữ”, Nhà nghiên cứu văn hoá Tây Nguyên - Nguyễn Quang Tuệ nói.

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.