Theo số liệu điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tỷ lệ tăng huyết áp (HA) của những người từ 25 tuổi trở lên là khoảng 30%, 39 % không được phát hiện và có tới 69% được phát hiện điều trị nhưng HA chưa được kiểm soát.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng HA ở người trẻ thường gặp như: bệnh lý mạch máu ở thận (hẹp động mạch thận), bệnh lý ở cơ quan nội tiết (u sưng thượng thận, ủ vỏ thượng thận) bệnh lý nhu mô thận (viêm vi cầu thận mãn; suy thận mãn tính…) và một số bệnh lý mạch máu khác như: hẹp eo động mạch chủ…
Còn hút thuốc lá, béo phì, căng thẳng… chỉ là những yếu tố nguy cơ chứ không phải là nguyên nhân gây tăng huyết áp ở người trẻ. Những yếu tố nguy cơ này sẽ là nguyên nhân khiến cho bệnh trầm trọng hơn khi đã mắc bệnh.
Mức độ nguy hiểm tùy từng trường hợp người mắc bệnh tăng HA. Trường hợp nguy hiểm nhất là tăng HA dẫn đến các biến chứng, làm làm tổn thương trên cơ quan đích của cơ thể như: tổn thương tim (gây phì đại cơ tim, suy tim, thiếu máu cơ tim…), tổn thương thận (làm tiểu đạm, suy thận), tổn thương não (làm tắc nghẽn mạch máu não, xuất huyết não…). Đặc biệt, biến chứng thường hay gặp nhất là trên tim và não.
Trường hợp nguy hiểm nữa đó là tăng HA không có biểu hiện triệu chứng nào, khiến người bệnh không biết mình đang bị bệnh. Sau một thời gian, bệnh nặng dẫn đến những biến chứng như tai biến mạch não, suy tim hoặc có thể tử vong đột ngột.
Một số triệu chứng cần chú ý như : nhức đầu, hoa mắt, có hiện tượng ruồi bay trước mặt; bị khó nói nhất thời; tiểu đêm, tự nhiên thấy tê, yếu tay chân, mặt hay đỏ phừng… Khi thấy những triệu chứng này cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn nhằm phát hiện, chữa bệnh kịp thời.Với những trường hợp mắc bệnh nhưng hoàn toàn không hề có triệu chứng gợi ý nào thì cần lưu tâm kỹ hơn để hạn chế biến chứng.