TAND TP Hà Nội đã ra quyết định mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ vào ngày 8/3 tới.
Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 10 ngày với Hội đồng xét xử gồm 5 người. Giữ quyền thực hành công tố và kiểm sát xét xử là 4 kiểm sát viên của Viện KSND tối cao và Viện KSND TP Hà Nội.
Trước đó, phiên tòa được mở vào ngày 22/1 nhưng phải hoãn lại do vắng mặt luật sư, bị cáo và một số đương sự.
Bị cáo Đinh La Thăng.
Vụ án có 12 bị cáo trong đó ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và nhóm Vũ Thanh Hà- nguyên Tổng GĐ PVB; Trần Thị Bình - nguyên Phó tổng GĐ PVN; Phạm Xuân Diệu - nguyên Tổng GĐ PVC; Nguyễn Ngọc Dũng - nguyên Phó tổng GĐ PVC; Đỗ Văn Quang - nguyên Trưởng ban kinh tế PVC; Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Phó phòng Đầu tư PVB; Khương Anh Tuấn - nguyên Phó phòng Thương mại PVB; Lê Thanh Thái - nguyên Trưởng phòng Kinh doanh PVB; Hoàng Đình Tâm - nguyên Kế toán trưởng PVB bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng - nguyên Chủ tịch kiêm Tổng GĐ Cty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch PVC bị truy tố về cả 2 tội danh trên.
Trong vụ án, cơ quan truy tố xác định năm 2007, PVN thành lập PVB để làm chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ và cho mời thầu xây dựng nhà máy bằng hình thức “chìa khóa trao tay”. Thấy vậy, PVC thành lập liên danh đấu thầu xây dựng dự án này nhưng bị từ chối vì không đủ khả năng.
Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh liên tục đề nghị giảm yêu cầu với nhà thầu và sau đó xin cho PVC được nhận thầu theo hình thức chỉ định. Ông Đinh La Thăng cũng tác động để liên danh của PVC được chỉ định thầu một cách trái pháp luật.
Liên danh của PVC sau đó được thi công nhưng đến năm 2013 phải dừng lại vì không đủ năng lực, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng phát hiện Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ của mình, cấu kết với Đỗ Văn Hồng để mua khu đất rộng 3.400m2 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) bằng tiền công, gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng cho PVC.
Trước phiên tòa này, Trịnh Xuân Thanh đã bị tuyên phạt tù chung thân trong 2 vụ án và đều về tội “Tham ô tài sản”. Ông Đinh La Thăng cũng phải nhận 30 năm tù trong các vụ sai phạm tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; mất vốn tại ngân hàng OceanBank; sai phạm tại dự án cao tốc Trung Lương.