Cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn sợ không còn cơ hội về với gia đình
Hôm nay (27/11), HĐXX phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan bước vào phần nghị án. HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 3/12.
Tại phiên tòa chiều qua, sau khi bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát) nói lời sau cùng, HĐXX đã cho các bị cáo còn lại nói lời sau cùng tại phiên tòa.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra giám sát NHNN) nói, những ngày qua là những ngày tột cùng của sự đau khổ đối với bị cáo. Bản án sơ thẩm cực kỳ nghiêm khắc, bị cáo không biết có đường về với gia đình hay không. Bị cáo và gia đình tiếp tục bằng tâm lực, cận lực đóng góp cho xã hội.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Tân Châu |
Bà Nhàn nói cảm ơn và xin lỗi chồng con, gia đình nội ngoại. Bà Nhàn thiết tha mong cầu sự ghi nhận của HĐXX và Viện kiểm sát, mong được vận dụng tất cả các quy định để giảm án bà, giúp bà có động lực để sống đi tiếp phần đời còn lại.
Tại bản án sơ thẩm của TAND TPHCM, HĐXX đã tuyên phạt tù chung thân bà Đỗ Thị Nhàn về tội “Nhận hối lộ” với cáo buộc nhận 5,2 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan, để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không trung thực, bao che sai phạm của Ngân hàng SCB.
Bà Đỗ Thị Nhàn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuy nhiên tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án tù chung thân đối với bà Nhàn.
Nói lời sau cùng, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan) gửi lời tri ân sâu sắc đến Viện Kiểm sát, HĐXX, luật sư, cán bộ trại giam, lực lượng dẫn giải trong suốt thời gian qua.
Bị cáo Trương Huệ Vân. Ảnh: Tân Châu |
Bà Vân nói trong thời gian xét xử, bị cáo được nghe rất nhiều lần về 2 từ khóa mà nghe rất phi đạo đức, đó là ‘công ty ma’ và ‘rút tiền chiếm đoạt’. Bị cáo xin bổ sung thêm rằng cần phải nhắc thêm từ khóa khác là ‘cơ cấu nợ’ và ‘đảo nợ’. Sự khác nhau ở hai góc nhìn sẽ khiến có cách hiểu nhẹ nhàng hơn.
Bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor) bị tòa sơ thẩm phạt 17 năm tù tội “Tham ô tài sản”, bị cáo Vân kháng cáo và được đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên giảm án xuống còn 14-15 năm tù.
Đứng ở bục khai báo dành cho bị cáo, ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) nói đã đến Việt Nam từ năm 1990, trong suốt 34 năm qua ông Cơ đã đào tạo nhiều người trẻ tuổi trở thành những người có trình độ phục vụ đất nước, đưa hàng trăm nghìn du khách đến đất nước của vợ.
Bị cáo Chu Lập Cơ. Ảnh: Tân Châu. |
Ông Cơ cũng nói rằng, ông chỉ vì cho bà Trương Mỹ Lan mượn tài sản để tái cơ cấu Ngân hàng SCB nhưng sau đó đã phải đứng trước tòa với tư cách tố tụng là bị cáo.
Đề cập tới bà Lan, ông Cơ nói ông và vợ, cùng gia đình chấp nhận phán quyết của HĐXX. Ông Cơ xin cho vợ ông được hưởng khoan hồng, nhân đạo và mức án thấp nhất.
Tại bản án sơ thẩm của TAND TPHCM, ông Chu Lập Cơ bị tuyên phạt 9 năm tù. Ông Cơ kháng cáo xin giảm hình phạt. Đại diện Viện Kiểm sát chấp nhận kháng cáo và đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên giảm án cho ông Cơ xuống còn 7-8 năm tù.
Nữ phó tổng SCB xin tha tội chết cho bà Trương Mỹ Lan
Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB, được Viện Kiểm sát chấp nhận kháng cáo cáo, đề nghị HĐXX tuyên giảm hình phạt từ 16 năm tù xuống còn 14-15 năm) cảm ơn các luật sư và cộng sự, đã bào chữa, đồng hành với bị cáo trong suốt quá trình của vụ án.
Bà Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB). |
Bị cáo Dung nói lúc còn ngoài xã hội, bị cáo có nghe pháp luật luôn có sự nhân văn, khoan hồng. Dựa trên tinh thần nhân văn, khoan hồng, bị cáo kính mong HĐXX, Viện Kiểm sát mở lòng để vận dụng tất cả các tình tiết giảm nhẹ, vận dụng tất cả các điều khoản khoan hồng của pháp luật mà xem xét giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo của vụ án, đặc biệt là xin tha tội chết cho chị Trương Mỹ Lan. Bị cáo tin là sự khoan hồng của HĐXX sẽ là nguồn động viên, là động lực lớn nhất trong hoàn cảnh này để chị có thêm sức lực, trí lực tốt nhất khắc phục hậu quả vụ án.
Bà Dung nói rằng rất ân hận vì từ trước nay bà Dung dành hầu như toàn bộ thời gian cho công việc, bỏ quên gia đình của bà, con trai nhỏ dại của bà, cha mẹ gần 80 tuổi của bà.
“Đến giờ này thực sự một cái ôm của người mẹ dành cho con đơn giản nhất cũng trở nên xa xỉ với bị cáo, không thực hiện được vì cơ chế trại tạm giam không cho phép. Nhân phiên tòa này bị cáo xin gửi lời đến tất cả các bà mẹ còn tự do hãy trân quý giây phút bên người thân của mình, bên con cái của mình đừng vì lý do cơm áo gạo tiền, vì lý do kinh tế mà bỏ quên gia đình, con cái của mình, đừng để như bị cáo có hối hận cũng không kịp” – Bị cáo Dung nói lời sau cùng tại phiên tòa.