Theo ông Đặng Văn Thành - Giám đốc Bến xe phía Nam TP Huế, trong sáng 15/11, 100% phương tiện xe khách tuyến nội và ngoại tỉnh phải nằm bến.
Tuyến Quốc lộ 1 qua Thừa Thiên Huế bị ngập sâu gây ách tắc giao thông |
Một số tuyến đã có nốt hoạt động trong ngày chưa đến bến đã phải nằm tại nhà. Được biết, tại bến xe này, bình thường mỗi ngày có từ 100 - 110 lượt chuyến xe khách xuất bến, nhưng do đường sá ngập lụt, nên các phương tiện phải nằm bến.
Đại diện nhà xe Phương Trang tại Huế cho biết, hiện 10 tuyến xe buýt nội tỉnh đi các huyện, thị xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã tạm dừng hoạt động. Cùng với đó, các đội xe liên tỉnh tuyến Huế - TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước... không thể vận chuyển khách về Huế và chiều ngược lại.
Lực lượng chức năng đặt biển cảnh báo cấm phương tiện lưu thông qua đoạn đường ngập lụt |
Do tình hình mưa lũ ở Thừa Thiên Huế còn diễn biến phức tạp, nhà xe đã yêu cầu các tài xế tuân thủ quy định về an toàn giao thông, không điều khiển phương tiện qua các đoạn đường bị sạt lở, ngập nước nhằm phòng tránh nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Tính đến chiều 15/11, mưa lớn đã làm khoảng 80% tuyến đường của 36 phường, xã của thành phố Huế bị ngập. Các tuyến đường khu vực bắc sông Hương gồm: Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan... ngập bình quân 0,3 - 0,5m.
Ngập lụt diện rộng tại Thừa Thiên Huế vào chiều 15/11 |
Trong khu vực trung tâm TP Huế, nhiều đoạn ngập sâu, người dân phải di chuyển bằng thuyền |
Các tuyến đường khu vực nam sông Hương như: Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa, Tố Hữu, Lê Minh, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ, Phan Anh... ngập bình quân từ 0,3 - 0,8m.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên Huế, từ 15/11 đến 17/11 tại tỉnh này tiếp tục có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Tổng lượng mưa phổ biến 150 - 300mm, có nơi trên 500mm. Mực nước trên các sông duy trì ở mức cao trên báo động 3 gây ngập lụt diện rộng; cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.