Đầu tiên là vấn nạn dân số mà tờ Financial Review (FR) của Úc trích dẫn học giả Dịch Phú Hiền (Yi Fuxian) ở đại học Winsconsin. Kể từ 1992, khi tỷ lệ lao động đang làm việc ở tuổi trên 65 vượt Mỹ, tăng trưởng của Nhật liên tục thấp hơn Mỹ trừ năm 2010. Hàn Quốc và Đài Loan cũng vậy và, năm 2033, sẽ đến lượt TQ.
Đặc thù nhân khẩu khiến nhiều học giả nhận định TQ không thể vượt Mỹ. Sau khi đạt đỉnh 1,4 tỷ người vào năm 2029, dân số còn 1,36 tỷ năm 2050 và nguồn nhân lực giảm 200 triệu. Với tỷ lệ sinh đẻ hiện nay, đến 2065, dân số chỉ còn 1,17 tỷ. Với xu thế ấy, ngay cả trong điều kiện tốt nhất, kinh tế TQ về quy mô vẫn nhỏ hơn Mỹ 35%, theo FR.
Còn hiện tại, nhà kinh tế học George Magnus từ đại học Oxford dự đoán tăng trưởng TQ sẽ tiếp tục tụt. Khả năng dưới 4%/năm có thể thành hiện thực do TQ khó mà vay thêm. Rào cản chủ yếu là các khoản vay đã vượt quá 300% GDP mà Magnus cho là “giới hạn đỏ”. Hậu quả này xảy ra khi tăng các gói kích cầu nhằm làm xẹp các bong bóng nợ sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2015.
Lựa chọn tài chính vất vưởng khiến TQ “không thể tiếp tục… chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số”, Magnus nhận định. Từ đó có dự báo, sau những năm 2020, TQ sẽ khó ngăn chặn hơn các hạm đội của Mỹ tiếp cận vùng lãnh hải ở Biển Đông mà TQ đã tuyên bố chủ quyền.
Giả thuyết này được củng cố thêm bởi các tiến bộ quốc phòng gần đây của Mỹ. Người ta kể đến hệ thống vũ khí laser công suất cao mà chi phí chưa đến 100 USD mỗi lần bắn. Một phát laser rẻ tiền ấy đủ sức huỷ phá một tên lửa đạn đạo TQ trị giá 500.000 USD, thứ vũ khí chiến lược răn đe Mỹ hiện nay.
Kinh tế TQ có thể đạt đỉnh năm 2030 và không thể tăng tiếp ít nhất 30 năm tiếp theo. Như vậy, thập kỷ tới, xem chừng họ không thấy nhiều cơ hội triển khai tham vọng trên biển. Song biết đâu họ làm điều gì đó bất ngờ khi các lựa chọn chiến lược bị hạn chế. Kể cả thế đi nữa, kể cả khi “nguy cơ chủ nghĩa phiêu lưu của TQ” đang rình rập như FR cảnh tỉnh, lạm dụng chủ nghĩa dân tộc để mưu đồ bá quyền trên biển chẳng thể khiến TQ mạnh hơn.