Ngành Thuế đẩy mạnh gỡ vướng hoàn thuế Giá trị gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
Trong thời gian vừa qua, với phương châm “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ” ngành Thuế đã triển khai đồng bộ công tác điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế. Đối với công tác hoàn thuế GTGT, ngành Thuế đã áp dụng hoàn thuế điện tử đạt 99% với gần 80% số hồ sơ hoàn thuế GTGT thuộc diện ‘hoàn trước - kiểm sau’ được cơ quan thuế giải quyết hoàn ngay khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn của người nộp thuế (NNT).

Song song với đó, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Bộ Tài chính, công tác hoàn thuế GTGT tiếp tục được Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương tăng cường tổ chức thực hiện.

Bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế cho biết, trong nhiều năm qua, ngành Thuế đã tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế cho các DN theo nguyên tắc “NNT tự tính, tự khai và tự chịu trách nhiệm”. Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế do cơ quan thuế tiếp nhận được phân loại thành 2 trường hợp: ‘hoàn trước - kiểm sau’ và ‘kiểm trước - hoàn sau’ theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

Trong cả hai trường hợp này đều có quy định về thời hạn hoàn thành, tính từ khi DN trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp hoàn thuế trước thì quy định là 6 ngày làm việc, còn đối với kiểm tra trước hoàn thuế, quy định là 40 ngày tính từ thời điểm NNT nộp hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, đúng quy định cho cơ quan thuế.

Như vậy, có thể khẳng định vai trò rất quan trọng của chính NNT trong quá trình hoàn thuế, đó là phải hoàn chỉnh hồ sơ và hồ sơ phải hợp lệ đáp ứng đúng yêu cầu quy định của pháp luật về đề nghị hoàn thuế trước khi gửi bằng phương thức điện tử cho cơ quan thuế thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.

Phân tích kỹ rủi ro trong hoàn thuế

Để xác định hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn, bên cạnh các hồ sơ hoàn thuế lần đầu, hồ sơ đã bị xử phạt hành vi trốn thuế trong vòng hai năm thuộc diện kiểm tra trước hoàn, các hồ sơ còn lại, ngành Thuế căn cứ trên các hồ sơ khai thuế của DN, các thông tin về tình trạng thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh, lịch sử tuân thủ pháp luật thuế và các thông tin trong cơ sở dữ liệu lớn HĐĐT (Big Data) của ngành Thuế.

Với việc sử dụng cơ sở dữ liệu lớn HĐĐT, qua phân tích các hoạt động mua bán hàng hóa của DN, cơ quan thuế đánh giá được rất nhanh toàn bộ các hóa đơn mua bán hàng hóa của DN hoàn thuế và các DN có liên quan theo chuỗi, trên cơ sở đó xác định tính tuân thủ và tin cậy của NNT trong sử dụng hóa đơn và kê khai nộp thuế để xác định DN đó có nằm trong diện rủi ro hay không, từ đó xác định hồ sơ của NNT là hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn thuế.

Ngành Thuế đẩy mạnh gỡ vướng hoàn thuế Giá trị gia tăng ảnh 1

Tuy nhiên thời gian qua, một số hồ sơ kiểm tra trước hoàn của một số DN đã bị kéo dài thời gian so với quy định là do trong quá trình phân tích dữ liệu chuỗi hóa đơn cập nhật thực tế tại hồ sơ của DN, cơ quan thuế phát hiện DN có mua hàng hóa đầu vào, khấu trừ và đề nghị hoàn thuế của các DN mà bán cho những DN hoàn thuế này nhưng các DN đó đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế; có những DN đã tạm ngừng hoạt động.

Có những DN đang nằm trong diện nghi án điều tra về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trong đó có những trường hợp do cơ quan Công an thông báo cho cơ quan thuế trong quá trình điều tra các vụ án kinh tế hoặc mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Đối với các DN xuất khẩu dăm gỗ, Tổng cục Thuế có những văn bản chỉ đạo các cơ quan thuế khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phải xác minh các nguồn gốc gỗ mua vào. Đây là một bước cần thiết để góp phần cùng các DN và các đầu mối thu gom thực hiện đúng yêu cầu về công tác kê khai để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước ngay từ khâu đầu vào.

Trước khi tiến hành các biện pháp xác minh, cơ quan thuế các cấp thực hiện phân tích rủi ro đối với các DN bán hàng cho DN xuất khẩu gỗ. Theo đó, trong việc xác định rõ nguồn gốc gỗ, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế phân tích, đánh giá hồ sơ theo từng lô hàng để lựa chọn lô hàng có dấu hiệu bất thường thực hiện kiểm tra, xác minh chọn mẫu.

Theo thông tin báo cáo từ Cục Thuế, sau khi xác minh hồ sơ đến đối tượng là các hộ trồng rừng, cơ quan thuế đã phát hiện trường hợp có những hộ cá nhân có tên trong hồ sơ kê khai nhưng thực tế lại không được giao đất rừng, không bán gỗ cho các đầu mối thu gom hoặc DN thương mại.

Với những DN có các dấu hiệu rủi ro, ngành Thuế đã triển khai rà soát toàn bộ các hoạt động mua bán hàng hóa để đảm bảo mua bán hàng hóa có thật hay không thông qua việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để tránh những rủi ro thất thoát ngân sách của Nhà nước.

MỚI - NÓNG