Vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore do bị tàu container đâm xảy ra hôm 26/3 thực sự là một thảm họa đối với kinh tế Mỹ. Sự cố không chỉ làm tê liệt giao thông khu vực mà còn khiến cho lưu thông hàng hải tại cảng Baltimore, mắt xích thông thương trị giá 80 tỷ USD trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị ngưng trệ.
Một trong những ngành sản xuất bị ảnh hưởng trực tiếp đó là ô tô. Giám đốc tài chính của hãng xe Mỹ Ford, John Lawler cho biết vụ sập cầu đã buộc họ phải chuyển các bộ phận sang các cảng khác và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của mình. Tương tự là các tập đoàn General Motors và Stellantis tại nước này cũng đã phải định tuyến lại các lô hàng bị ảnh hưởng để kịp tiến độ sản xuất.
Vụ sập cầu tại Baltimore làm gián đoạn nguồn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp ô tô và giao thông vận tải tại Mỹ. |
Tất nhiên điều này sẽ có tác động tiêu cực đến nhà sản xuất ô tô Mỹ, đặc biệt là xuất khẩu. Bởi lẽ họ sẽ phải đối mặt với mức phí vận tải đường sắt và đường bộ cao hơn nếu chuyển hướng vận chuyển sang các cảng thay thế.
Như vậy, vụ sập cầu ở Baltimore vừa qua là một đòn giáng khác mà ngành ô tô Mỹ phải gánh chịu sau đại dịch và tình trạng thiếu chip. Tuy vậy, với kinh nghiệm xử lý tình trạng gián đoạn trước đó, các nhà sản xuất ô tô Mỹ tự tin có thể tìm ra giải pháp tốt nhất để khắc phục vấn đề.
Theo Reuters, có hơn 847.000 ô tô và xe tải nhẹ được vận chuyển qua cảng này vào năm 2023. Các nhà sản xuất ô tô lớn của châu Âu như BMW, Mercedes-Benz và Volkswagen đều có cơ sở vật chất trong khu vực cảng để thuận tiện cho việc xử lý các chuyến hàng xe tại chỗ.
Số liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy Mazda là hãng xe nước ngoài có số lượng ô tô nhập khẩu vào Mỹ qua Baltimore lớn nhất tính theo giá trị đồng USD. Volkswagen, Mercedes-Benz, JLR và Subaru cũng theo sau. Tuy nhiên hầu hết những thương hiệu này đều báo cáo không bị tác động lớn sau vụ việc vừa qua.
Trong đó, BMW và Volkswagen cho biết họ có cơ sở nằm trên bờ biển phía đông và ngoài tầm ảnh hưởng của vụ sập cầu trong khi một số cơ sở khác nằm trong khu đất liền. Trong khi đó, đại diện của Mercedes-Benz tuyên bố hãng này có sẵn một số lựa chọn dự phòng trong mạng lưới chuỗi cung ứng linh hoạt của mình tại Mỹ.
Pete Buttigieg, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ đánh giá sự cố vừa qua sẽ khiến toàn bộ chuỗi cung ứng trong nước Mỹ sẽ có sự gián đoạn nghiêm trọng. Ông tuyên bố rằng con đường trở lại trạng thái bình thường sẽ không hề dễ dàng cũng như tốn thời gian và cả tốn kém.