Ngành giáo dục năm 2014: Khó khăn và bất hợp lý

Ngành giáo dục năm 2014: Khó khăn và bất hợp lý
TP - Ngày 27/12/2013, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2014.Năm 2014, ngành sẽ tăng quy mô đào tạo sau đại học (ĐH) và giữ ổn định chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy. Do tình hình kinh tế khó khăn, ngành GD&ĐT chỉ đạo các trường cắt giảm chi tiêu tuyệt đối, nhất là hội nghị, hội thảo và công tác nước ngoài.

> Ngành giáo dục cắt họp, giảm đi nước ngoài

Giảm Chỉ tiêu đào tạo kinh tế, tăng y dược, công nghệ

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tuyển sinh năm 2014 tiếp tục được thực hiện theo quy định hiện hành. Năm 2014, chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng khoảng 7%; thạc sĩ tăng khoảng 5%.

Đối với đào tạo ĐH, CĐ, theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, quy mô đào tạo chính quy sẽ được giữ ổn định. Bộ yêu cầu các trường phải cân đối chỉ tiêu đào tạo với các điều kiện đảm bảo chất lượng- đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất; đồng thời điều chỉnh chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, y dược, nghệ thuật.

Chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy, chỉ được xác định tối đa bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng. Chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm cũng sẽ được điều chỉnh giảm dần trong các năm tới. Đối với nhóm ngành y dược, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường phải đăng ký chỉ tiêu trong tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy.

Đối với chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm được xác định không vượt quá 50% chỉ tiêu chính quy. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH giảm chỉ tiêu đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) theo lộ trình 20%/năm. Các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT sẽ phải giảm nhanh hơn để có thể dừng tuyển sinh đào tạo TCCN trước năm 2017.

Khó khăn và bất hợp lý

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2014, dự toán chi ngân sách nhà nước giao cho Bộ GD&ĐT về cơ bản là giảm so với năm 2013. Vị đại diện cho trường PT dân tộc vùng cao Việt Bắc làm các vị đại biểu tại hội nghị cảm động khi miêu tả phòng thí nghiệm, phòng máy tính đã xuống cấp; ký túc xá xây dựng từ những năm 80 thường xuyên đe dọa mất an toàn đối với học sinh sinh viên... nhưng vẫn khẳng định một lòng... đổi mới căn bản toàn diện.

Đại diện ĐH Nha Trang cho rằng, các ngành đào tạo nghề lâm nghiệp và nghề biển đang rất khó khăn... trong khi đại diện ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, ông Đỗ Văn Dũng, cho biết, gần như thiết bị nhận về đều bị ép ký nghiệm thu nhưng không sử dụng được. Bộ GD&ĐT cần chấn chỉnh để việc sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả hơn.

Giảm chi tối đa

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói tại hội nghị: Do khó khăn về kinh tế, kinh phí giảm rất lớn, có những khoản giảm đến 30-40%, đặc biệt kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học giảm nhiều, chi phí thường xuyên giảm 8-10% . Ông Ga chỉ đạo: Các cơ sở đào tạo cần cắt tối đa những khoản chi chưa thiết thực tới hoạt động chung của nhà trường như: Hội nghị, hội thảo, công tác, đặc biệt công tác nước ngoài...

Đặc biệt, ông Ga nói, 4 trường được thí điểm tự chủ chi thường xuyên là ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM. Năm nay, các trường không được cấp ngân sách, nhưng Bộ GD&ĐT đang xây dựng đề án trình Chính phủ cho phép các trường này tăng học phí, không giới hạn trần như các trường khác để bù vào khoản không được ngân sách cấp.

Cũng theo ông Ga, các dự án đầu tư lớn thuộc nhóm A xây dựng làng đại học của 3 ĐH vùng có khó khăn sẽ được xem xét. Đặc biệt, dự án của trường ĐH Kinh tế quốc dân đã được đề nghị lên Chính phủ để được cấp tiền xây dựng 2 tòa nhà trung tâm.

Đối với Dự án Làng ĐH Đà Nẵng đã kéo dài 18 năm, đủ cho những đứa trẻ sinh ra và đủ tuổi dựng vợ gả chồng mà vẫn chưa hoàn thành, sẽ được nghiên cứu để trả lại cho địa phương đối với phần diện tích không đủ khả năng giải phóng mặt bằng.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG