Ngành đồ uống Việt Nam đóng góp gần 60 nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm

TP - Với các nhà máy phân bổ hầu khắp các tỉnh thành cả nước, ngành đồ uống có vai trò kinh tế quan trọng khi luôn đứng ở vị trí những doanh nghiệp hàng đầu trong các hoạt động đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Hàng năm, toàn ngành đồ uống đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động tại các nhà máy sản xuất và chuỗi cung ứng dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí v.v. Các doanh nghiệp trong ngành luôn tiên phong trong các hoạt động vì cộng đồng, an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn nước, thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Ngành công nghiệp đồ uống (chủ yếu gồm các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát) đã đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế với mức tăng trưởng về giá trị sản xuất bình quân trên 10% mỗi năm. Tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành chiếm khoảng gần 6% tổng giá trị ngành công nghiệp cả nước. Các sản phẩm của ngành gắn liền với truyền thống, văn hóa, lịch sử lâu đời cũng như đời sống của người dân trong hiếu, hỷ, thờ cúng tổ tiên, trong các bữa tiệc chiêu đãi ngoại giao và là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt và các vùng miền trên cả nước cần được gìn giữ, nâng cao nhận thức để sử dụng nó một cách có văn hóa, trách nhiệm.

Ngành công nghiệp đồ uống dần bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ thế kỷ 19. Ngày nay ngành đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy dịch vụ du lịch, giải trí, đầy lùi vấn nạn hàng lậu và dần khẳng định vị trí, thương hiệu đồ uống của người Việt. Các sản phẩm Đồ uống rất đa dạng, phong phú, hội tụ đủ các thương hiệu lớn, mẫu mã đẹp, chất lượng ngày càng được nâng cao, thu hút tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Khó khăn, thách thức và chịu nhiều tác động

Mặc dù luôn cố gắng bằng nội lực, thích ứng với bối cảnh nhưng các DN ngành Đồ uống vẫn còn ghi nhận rất nhiều khó khăn thách thức đặc biệt từ sau đại dịch Covid - 19, tình hình xung đột, căng thẳng địa chính dai dẳng, tác động kép từ một số chính sách hạn chế đồ uống có cồn có sẵn như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thương mại; Luật Quảng cáo; Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 100 với việc ưu tiên thực thi trong thời gian dài…

Doanh nghiệp ngành bia, rượu đều ghi nhận sụt giảm từ một tới hai con số về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, các DN phải tái cơ cấu, thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản xuất, lao động v.v. kéo theo sự ảnh hưởng gián tiếp tới cả chuỗi trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp và các ngành hàng phụ trợ.

Hiện nay trên 63% rượu bất hợp pháp không quản lý được do chính sách chưa phù hợp gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, thất thu ngân sách lớn, người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm rẻ tiền, gây ngộ độc... Tổng tổn thất tài chính từ khu vực phi chính thức ước tính vào khoảng 2.816 triệu USD. Trong đó, tổn thất tài chính từ việc sản xuất là 751 triệu USD, từ các hoạt động buôn lậu và sản xuất hàng giả, hàng nhái vào khoảng 2.015 triệu USD

Bên cạnh đó dự báo xu thế ngành bia, ngành có chiếm tỉ trọng lớn trong ngành đồ uống, sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, dẫn đến giảm về sản lượng, kéo theo giảm cả thu ngân sách và các vấn đề liên quan khác.

Tác động của đề xuất tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa dổi) đối với ngành đồ uống

Ngành đồ uống tuân thủ tốt các quy định chính sách của nhà nước. Là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ Luật thuế TTĐB (sửa đổi), các doanh nghiệp Đồ uống vô cùng lo lắng và chưa thể đánh giá hết được các tác động to lớn, lan tỏa với đề xuất tăng thuế TTĐB “sốc” lớn nhất chưa từng có trong lịch sử đối với rượu bia lên tới 100% vào năm 2030. Đồng thời, bổ sung Nước giải khát có hàm lượng đường lớn hơn 5g/100ml theo Tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế suất thuế TTĐB với thuế suất là 10%.

Ngành vô cùng quan ngại với mức tăng thuế quá cao như đề xuất hiện nay. Tăng thuế sẽ làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các sản phẩm bất hợp pháp, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe, gây thất thu ngân sách trong khi vị trí, vai trò và những đóng góp của ngành đồ uống chưa được ghi nhận và quan tâm đúng mức.

Chính sách thuế là vấn đề rất phức tạp, để đạt được tính đồng thuận cao, hợp lý, hài hòa các lợi ích, khi xem xét điều chỉnh cần:

Cẩn trọng, đánh giá toàn diện các tác động tới đối tượng trực tiếp, gián tiếp, đến người tiêu dùng, ngân sách, kinh tế, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Thực hiện đánh giá định lượng với các mô hình tính toán khoa học, định lượng dựa trên các số liệu thực tế, sự thay đổi về mối quan hệ giữa thuế suất và thu ngân sách (đường cong Laffer), thay đổi về thói quen, hành vi của người tiêu dùng khi sản phẩm tăng giá do tăng thuế, v.v.

Các đánh giá có cơ sở khoa học, đặt vào bối cảnh thực tế cả về lĩnh vực tài chính và an sinh xã hội, chiến lược phát triển kinh doanh của DN đã đầu tư ở Việt Nam.

Từ đó cân nhắc, lựa chọn lộ trình áp dụng, mức tăng thuế phù hợp, hài hòa tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng thích nghi, tạo ổn định kinh tế vĩ mô và vấn đề an sinh xã hội. Đây cũng là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp ngành đồ uống trong quá trình sửa đổi sắc thuế quan trọng này. n

MỚI - NÓNG