Ngăn tiêu cực thi cử, tuyển sinh: Nên ứng dụng công nghệ Blockchain

0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia đề xuất ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý giáo dục ĐH, ngăn chặn gian dối trong thi cử, tuyển sinh. Ảnh: Như Ý
Chuyên gia đề xuất ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý giáo dục ĐH, ngăn chặn gian dối trong thi cử, tuyển sinh. Ảnh: Như Ý
TP - Chuyên gia cho rằng, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain (chuỗi khối) hứa hẹn tạo ra sự đột phá về chất lượng đào tạo và quản lý giáo dục ĐH, ngăn chặn gian dối trong thi cử, tuyển sinh.

Hôm qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học”. Tại hội thảo, thạc sĩ Thái Huy Ngọc, Trường ĐH Nguyễn Huệ, nêu quan điểm có thể nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm công nghệ Blockchain để hỗ trợ công việc quản lý cho các trường ĐH.

Theo ông Ngọc, trước tiên, công nghệ Blockchain cần được ứng dụng để hỗ trợ công tác chấm thi tuyển sinh đầu vào cho các trường ĐH. Hiện nay, việc tuyển sinh đầu vào của các trường đa phần dựa trên kết quả của kỳ thi THPT. Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm đã được xã hội công nhận, kỳ thi vẫn chưa có độ tin cậy, tính công bằng thực sự cao; đâu đó vẫn còn tình trạng chỉnh sửa điểm thi của thí sinh, ông nói.

Để khắc phục tình trạng này, công nghệ Blockchain nên được triển khai để hỗ trợ công tác chấm thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, dựa trên nền tảng cũng như cơ chế hoạt động của công nghệ Blockchain, mọi công đoạn của công tác chấm thi đều được công khai và chịu sự giám sát chặt chẽ của tất cả các bên liên quan. Nhờ vậy, việc tự ý chỉnh sửa dữ liệu là gần như không thể xảy ra, góp phần mang lại sự công bằng cho tất cả thí sinh cũng như sự tin tưởng về chất lượng tuyển sinh đầu vào cho các trường ĐH.

Theo ông Ngọc, ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý toàn bộ dữ liệu sinh viên bao gồm văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm... sẽ đảm bảo công khai, minh bạch cho tất cả các bên liên quan, gồm sinh viên, giảng viên, các phòng, ban chức năng của cơ sở đào tạo. Ông cho rằng, công nghệ Blockchain còn hiệu quả khi hỗ trợ công tác đánh giá năng lực của giảng viên, vì thực tế đánh giá giảng viên hằng năm ở các trường ĐH còn mang tính hình thức, thiếu khách quan và đôi khi không chính xác. Tuy nhiên, để các đề xuất trên có thể được hiện thực hóa, rất cần một khung pháp lý rõ ràng, cụ thể cho sự phát triển của công nghệ Blockchain tại Việt Nam.

Blockchain là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau nhờ mã hóa. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

MỚI - NÓNG