> Các nhà đầu tư Nhật tìm cách rút khỏi Trung Quốc
Tàu hải giám Trung Quốc áp sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Từ Internet. |
Đồng loạt tẩy chay
Một số ngân hàng của Trung Quốc cho biết, họ còn hủy tham dự một hội nghị quốc tế lớn khác về tài chính tổ chức tại thành phố Osaka, miền trung Nhật Bản vào cuối tháng này.
Hầu hết các ngân hàng lớn Trung Quốc đều chưa đưa ra lý do vì sao họ không xuất hiện tại các hội nghị lớn này ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, việc hủy kế hoạch tham dự các hội nghị diễn ra giữa lúc căng thẳng quan hệ Nhật-Trung về tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang lên cao sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo này.
Phía Trung Quốc vừa qua bày tỏ sự bất bình với Nhật Bản bằng cách hủy cả một số sự kiện ngoại giao song phương, đưa tàu hải giám vào vùng biển mà Tokyo tuyên bố là thuộc chủ quyền của Nhật Bản.
Một số công ty Nhật Bản phàn nàn về số lượng đơn hàng từ Trung Quốc sụt giảm mạnh.
Phía Tokyo cũng phàn nàn rằng, gần đây, các cơ quan thực thi pháp luật ở cửa khẩu kiểm tra nghiêm ngặt một cách bất thường đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản cũng như hàng hóa này bị trì hoãn thông quan gây dồn ứ tại các cảng Trung Quốc.
Một quan chức làm việc trong Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc - chi nhánh Tokyo nói rằng, quan hệ căng thẳng Trung-Nhật chính là nguyên nhân khiến ngân hàng này hủy kế hoạch tham dự các cuộc họp của WB và IMF tại Tokyo và hội nghị của Hiệp hội Tài chính viễn thông quốc tế sắp tới tại Osaka.
Hành động nói trên của các ngân hàng lớn Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất đang làm xấu thêm quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á, đồng thời tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Các hội nghị thường niên của WB và IMF là sự kiện lớn nhất của các bộ trưởng kinh tế, tài chính, các nhà lãnh đạo tổ chức phi chính phủ và các thống đốc ngân hàng.
Ban tổ chức ước tính có khoảng 20.000 đại biểu sẽ đến Tokyo vào tuần tới để tham dự các hội nghị này kéo dài từ thứ 4 đến Chủ nhật.
Bắc Kinh lâu nay luôn tìm kiếm một vai trò quan trọng trong những diễn đàn toàn cầu kiểu như các hội nghị của WB và IMF ở Tokyo, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Một số chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng lớn Trung Quốc tẩy chay các hội nghị cho thấy quan hệ Trung-Nhật đã tràn sang cả các lĩnh vực kinh tế tài chính quốc tế.
Đây là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng hiện diện tại bàn hội nghị của các nhà lãnh đạo quốc tế.
Các ngân hàng nói trên gồm Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Viễn thông, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc.
Riêng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết họ chưa quyết định có tham dự các hội nghị của WB và IMF ở Tokyo hay không.
Tịch thu báo để xóa, cắt bỏ bài
Trong một diễn biến khác có liên quan, một công ty bưu chính quốc tế cho biết, tuần qua, hải quan Trung Quốc đã tịch thu các báo Nhật Bản phát hành tại Trung Quốc bằng đường hàng không.
Công ty phát hành báo Nhật Bản qua hãng hàng không ANA của Nhật Bản nói rằng, giới chức hải quan Trung Quốc không giải thích vì sao các báo Nhật Bản ra tối thứ Năm và sáng thứ Sáu tuần qua đều bị tịch thu.
Quan chức của công ty bưu chính quốc tế liên quan nói rằng, sau khi tịch thu báo in và tạp chí của Nhật Bản, nhà chức trách Trung Quốc dùng mực bôi đen hoặc cắt bỏ một số bài báo.
Sau đó, tờ báo được phía Trung Quốc trả lại cho nhà phát hành. Đó là các bài báo liên quan cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm thứ Năm tuần trước giữa ông Jia Qinglin (Giả Khánh Lâm), một quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản.
Trong cuộc gặp này, ông Jia thúc giục Nhật Bản công nhận sự tồn tại của cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về nhóm đảo nhỏ nói trên.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Jia nói: “Nhật Bản cần nhận thấy sự nghiêm trọng của tình hình hiện nay, nhìn thẳng vào tranh chấp đối với các hòn đảo Điếu Ngư và sửa chữa sai lầm càng sớm càng tốt để tránh làm thiệt hại hơn nữa các mối quan hệ Trung-Nhật”.
Nhật Bản nói rằng, những hòn đảo nhỏ không người trên biển Hoa Đông là một phần có tính lịch sử và không thể tách rời lãnh thổ Nhật Bản.
Đ.P
Theo Wall Street Journal, Kyodo