Ngân hàng giải chấp, nhà phố rớt giá thảm hại
> Địa ốc tháng 10: Từ biệt thự đến căn hộ đều mất giá
> Nhà mặt phố Hà Nội rớt giá mạnh
Rất nhiều NH đang âm thầm giải chấp hàng loạt BĐS được khách hàng thế chấp trước đây. Việc giải chấp đồng loạt của nhiều NH đã khiến mặt bằng giá nhà phố giảm ít nhất 30%.
Mặt bằng giá nhà phố đã giảm mạnh kể từ khi các ngân hàng đẩy mạnh việc giải chấp. Ảnh: Quỳnh Mai. |
Alô là… “đụng” ngân hàng bán nhà
Chị tôi là hộ làm ăn cá thể, có mở tài khoản giao dịch tại một số NH, được một số ngân hàng xem là khách hàng thân thiết. Chị tôi bảo: “Dạo này tình hình thị trường nhà đất chắc khó khăn lắm hay sao mà tuần nào chị cũng nhận được cả một list dài tài sản cần giải chấp do các NH gửi qua email mời mua, trong đó nhiều nhất là nhà, xe, đất đai...”.
Tôi đem chuyện hỏi anh Mai Thế Bình – một người chuyên môi giới mua bán nhà khu vực Q.1, 3. Anh Bình than: “Dạo này làm ăn khó quá, toàn “đụng” NH bán nhà thế chấp. Giá họ bán “mềm”, em không có cửa cạnh tranh, họ cũng không cần môi giới nên em gần như không còn đất làm ăn. Trước đây em đọc báo thấy ai bán nhà thì gọi tới, đặt vấn đề dẫn khách mua, đa số chủ bán nhà đồng ý, nếu giao dịch thành công thì em được hưởng hoa hồng. Giờ đọc báo, gọi đến toàn gặp nhân viên thu hồi nợ của NH. NH bán nhà, họ không cần môi giới mà bán trực tiếp cho khách, hoặc nếu họ cần môi giới thì bán qua các sàn chứ không cần những môi giới lề đường như tụi em”.
Theo lời anh Bình, tôi chọn nhanh một số BĐS trên địa bàn Q.1 được rao bán trên mạng. Căn nhà đầu tiên nằm trong một con hẻm rộng 4m, chỉ cách mặt tiền đường Đề Thám khoảng 20m. Căn nhà có diện tích 3,7x17m, một trệt, 2 lầu giá chào bán là 4,5 tỉ đồng. Khi liên lạc qua điện thoại để đi xem nhà, người bán nhà cho biết: “Em là nhân viên thu hồi nợ của NH...”. Nhân viên này cho biết: “Nếu anh muốn xem nhà thì đến trực tiếp em sẽ gọi điện cho chủ nhà mở cửa cho anh xem. Căn nhà này, giữa năm 2011, được tụi em định giá 5,8 tỉ đồng và đã nhận thế chấp cho vay 4,5 tỉ đồng. Đến nay, cả lãi và vốn đã vượt con số 5,8 tỉ đồng, người thế chấp đã mất khả năng thanh toán nên giao tài sản cho NH giải chấp thu hồi vốn.
Do tình hình khó khăn, phải gấp rút thu hồi nợ trước cuối năm nên NH bán căn nhà này với giá 4,5 tỉ đồng, bằng đúng số tiền NH đã cho vay và có thể thương lượng một ít để khách làm giấy tờ. Trong hoàn cảnh hiện nay thì NH chỉ đặt mục tiêu thu hồi nợ chứ không tính đến lời lỗ. Nếu anh mua, mời anh đến gặp sếp của em để thương lượng...”.
Trong vai người đi mua nhà, người viết xuống gặp chủ nhà. Chị chủ nhà cho biết, do cần vốn làm ăn, con cháu trong nhà đã thế chấp từ năm 2011 nhưng làm ăn không thành công, mất vốn, không trả được nợ. NH họ thúc nợ dữ lắm, nên gia đình cũng đã kêu bán nhà mấy lần, giá 7 tỉ. Tháng 8.2011 đã có người trả 6,5 tỉ đồng, nhưng lúc đó bà cụ đang ốm liệt giường con cháu không nỡ bán nhà. Bà cụ giờ mất rồi, buộc phải bán nhà trả nợ nhưng không bán được, buộc phải giao nhà cho NH, họ bán được cho mình được bao nhiêu thì mừng bấy nhiêu chứ biết sao giờ, tình hình khó khăn chung mà...”. Người viết còn gọi liên lạc thêm 7 quảng cáo bán nhà nữa, trong đó có đến 5 trường hợp gặp người bán nhà là nhân viên NH đi bán nhà hoặc người cần bán nhà để trả nợ cho NH.
Nhà phố rớt giá thảm hại
Khi các NH giải chấp hàng loạt BĐS thế chấp đã có tác động nhất định lên mặt bằng giá nhà phố trên địa bàn TP. Trở lại với căn nhà trên đường Đề Thám, Q.1, nếu NH bán thành công căn nhà này với giá 4,5 tỉ đồng thì chỉ tính trong trường hợp này giá căn nhà đã giảm ít nhất 30% so với cách đây chỉ hơn 1 năm. Tuy nhiên, mức giảm giá kể trên vẫn chưa sốc bằng trường hợp sau. Một căn nhà vườn cộng với một dãy 12 phòng trọ, được xây dựng trên khu đất gần 500m2 trên địa bàn Q.Bình Tân, 2 năm trước được định giá gần 8 tỉ đồng. 2 năm sau cũng căn nhà đó, thế chấp NH, chủ nhà mất khả năng thanh toán được rao bán chỉ 5 tỉ đồng, mất gần 40% giá trị...
Trong 8 trường hợp bán nhà mà người viết tìm hiểu, những người bán nhà đều khẳng định giá bán hiện nay chỉ bằng 60 -70% so với trước đây 1 năm – thời điểm bắt đầu của làn sóng NH giải chấp. Đây có thể là lần đầu tiên, thị trường nhà phố trên địa bàn các quận trung tâm TP trải qua một đợt rớt giá mạnh như vậy.
Đem câu chuyện NH giải chấp nhà đất cầm cố trao đổi với một chuyên gia về thị trường BĐS, vị chuyên gia này cho rằng: “Một khi NH giải chấp bằng với số tiền đã cho vay có nghĩa là giá trị BĐS đó đã giảm 40%”. Cũng theo vị chuyên gia này: “Từ trước đến nay, khi thế chấp và nhận thế chấp NH luôn nắm đằng chuôi. Họ định giá tài sản rất thấp, giá trị thị trường của một món hàng là 10 đồng thì họ chỉ định giá tối đa là 8 đồng, sau đó họ cho vay tối đa chỉ 60 -70% con số họ định giá. Họ làm vậy nhằm mục đích giữ cho túi tiền của mình luôn an toàn trong mọi biến động của thị trường. Có thể do tình hình thị trường BĐS quá xấu mới có câu chuyện NH giải chấp bằng với số tiền cho vay”.
Làn sóng giải chấp BĐS thế chấp có thể mới chỉ bắt đầu, trong thời gian tới có thể còn mạnh hơn và có nhiều khả năng sẽ kéo giảm thêm mặt bằng giá nhà phố. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có đến 2 hội chợ mini nhà đất, trong đó chủ yếu là nhằm tiêu thụ nhà, đất có liên quan đến NH.
Theo Ngọc Huân
Lao động