Ngân hàng chính sách: Đồng hành cùng người nghèo ở Bình Thuận

0:00 / 0:00
0:00
Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, hộ dân ở tỉnh Bình Thuận có điều kiện phát triển cây Thanh Long
Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, hộ dân ở tỉnh Bình Thuận có điều kiện phát triển cây Thanh Long
NHCSXH tỉnh Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Điểm sáng trong công cuộc giảm nghèo

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Thuận Phạm Anh Đức cho biết: “Trong giai đoạn 2011 - 2020, NHCSXH tỉnh Bình Thuận đã tập trung nhiều nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 9,09% xuống còn 2,52% và trong giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 5,81% xuống còn 1,92% thời điểm cuối năm 2019. Đây có thể coi là điểm sáng của công cuộc xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh Bình Thuận.”

Cùng với việc tăng thêm các chương trình tín dụng, đối tượng thụ hưởng đa dạng hơn, cơ cấu sử dụng vốn đã có sự thay đổi. Giai đoạn 2011 - 2020, các đối tượng cho vay đã được mở rộng, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho nhiều đối tượng trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện sinh hoạt... Đây là những chương trình cho vay được các cấp chính quyền và nhân dân nhiệt tình đón nhận. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp gần 33.062 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 16 nghìn lao động; giúp trên 50 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng trên 156 nghìn công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; 2.474 căn nhà ở cho hộ nghèo và 110 khách hàng được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sữa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP… Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40, cấp ủy, chính quyền địa phương đã dành sự quan tâm lớn cho công tác giảm nghèo, chỉ đạo quyết liệt trong việc tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách thông qua NHCSXH. Trên tinh thần đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương được bổ sung hàng năm với tốc độ tăng tưởng khá cao, đến nay đạt trên 92 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3%/tổng nguồn vốn; tăng 78 tỷ đồng (+557%) so với năm 2010 và tăng 72 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

Đem lại cơ hội cho nhiều hộ gia đình vươn lên

Ngân hàng chính sách: Đồng hành cùng người nghèo ở Bình Thuận ảnh 1 Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã tiếp sức cho nhiều hộ dân tỉnh Bình Thuận trong cuộc sống mưu sinh

Một trong những chương trình giảm nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải kể đến đó là chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH. Thời gian qua, nhờ có chương trình này mà hiều hộ gia đình đã thoát nghèo mạnh dạn mở rộng SXKD, từng bước nâng cao cuộc sống.

Tại thị xã La Gi, 10 năm qua, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo đã phát huy tối đa hiệu quả và được xem là “đòn bẩy” giúp cho biết bao nhiêu hộ gia đình thoát nghèo bền vững và có được cuộc sống ấm no, sung túc hơn. Chị Nguyễn Lâm Anh Thu ở khu phố 4, phường Tân Thiện, thị xã La Gi là một điển hình.

Hơn 12 năm trước, gia đình chị là một trong những hộ nghèo của phường Tân Thiện khi chồng chị chẳng may bị đột qụy, sau một thời gian dài cố gắng chạy chữa thuốc thang vẫn mất đi khả năng lao động; hai con thì đang tuổi học… Gánh nặng kinh tế dồn lên vai chị Thu, nhưng nhờ được tiếp cận nguồn vốn dành cho hộ nghèo của NHCSXH thị xã La Gi, gia đình chị Thu đã chính thức thoát nghèo vào năm 2018. Niềm vui được nhân lên khi gia đình chị xây dựng được căn nhà mới khang trang, sạch đẹp; hai người con của chị cũng được ăn học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định. Sau khi thoát nghèo, gia đình chị lại tiếp tục được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Nhờ đó, chị Thu có thêm đồng vốn để phát triển công việc kinh doanh của gia đình.

Cũng như chị Thu, nhìn ngôi nhà khang trang của gia đình anh Lê Thanh Bình ở thôn 7, xã Măng Tố, huyện Tánh Linh, không ai nghĩ gia đình anh trước đây là hộ cận nghèo. Không giấu được niềm vui, anh Bình chia sẻ: “Trước đây, kinh tế gia đình rất bấp bênh, do không có nghề nghiệp ổn định, không có đất sản xuất, lại phải nuôi con ăn học. Cuộc sống của cả gia đình chỉ nhờ vào mấy luống rau, tằn tiện lắm thì chỉ đủ ăn. Được biết NHCSXH triển khai cho vay ưu đãi đối với các hộ mới thoát nghèo, tôi có nhu cầu và được hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn, được NHCSXH huyện giải ngân cho vay 50 triệu đồng”.

Có vốn trong tay, anh Bình tiếp tục phát triển vườn rau, nuôi hơn 20 con dê. Nhờ có kinh nghiệm trong việc chọn từng loại rau trồng phù hợp vào từng thời gian nhất định, rau gia đình anh trồng vừa trúng mùa vừa trúng giá. Mỗi năm, gia đình anh thu lãi từ 70 - 80 triệu đồng. Tích lũy, anh mua được đất, cất được nhà ở kiên cố, hoàn thành ước mơ cho con trai trờ thành kỹ sư cơ khí và đặc biệt là gia đình chị không sợ tái nghèo.

Trong 10 năm (2011 - 2020), doanh số cho vay đạt 5.869 tỷ đồng với trên 312 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 4.070 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 30/11/2020 đạt 2.923 tỷ đồng, tăng 1.790 tỷ đồng (+1,73 lần) so với năm 2010, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10%, với trên 100 nghìn khách hàng còn dư nợ, bình quân dư nợ 29,2 triệu đồng/khách hàng.

MỚI - NÓNG