Nguy cơ thành bãi rác của thế giới
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh, hội nhập sâu rộng thì việc chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết. Đây cũng chính là cơ hội để nước ta tiếp cận công nghệ hiện đại, tiên tiến, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên nếu không cẩn trọng thì Việt Nam cũng có nguy cơ trở thành bãi rác. Ông Mạnh cho rằng, trong việc thẩm định, chấp thuận đối với các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ, cần phải tính toán chặt chẽ những vấn đề liên quan đến hiệu quả và môi trường.
ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) bày tỏ sự đồng tình với việc dự thảo luật bổ sung quy định về thẩm định, kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư. Bởi hiện nay hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam chưa phát triển, chủ yếu là mua bán do doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài thực hiện. Điều này dẫn đến một thực trạng là nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực xi măng, mía đường, thép, nhiệt điện, giấy có năng suất lao động thấp, gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, ông Tuấn đề nghị cần bổ sung danh mục công nghệ không được đưa vào Việt Nam. “Nếu không quy định sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâu dài rồi, đưa công nghệ cũ vào Việt Nam để tận dụng lao động giá rẻ mà không chuyển giao để khỏi bị chế định của luật, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và nền kinh tế”, ông Tuấn noi.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng khẳng định, công tác quản lý công nghệ nhập khẩu vào nước ta chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp dẫn đến tình trạng một số công nghệ lạc hậu, gây tác động xấu đến môi trường được nhập khẩu vào nước ta.
Ngăn đối tượng hám lợi
Để ngăn chặn nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác, ông Ngô Đức Mạnh đề nghị quy định chặt chẽ việc chuyển giao công nghệ gắn với đảm bảo môi trường. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của hội đồng thẩm định trong việc chuyển giao công nghệ. Theo đó, nếu công nghệ được chấp thuận nhưng sau này phát hiện sự lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường thì hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm.
ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đề nghị cần làm rõ năng lực đánh giá, thẩm định công nghệ của các cơ quan, tổ chức chuyên môn có thẩm quyền và chuyên nghiệp. “Năng lực đánh giá, thẩm định các loại công nghệ du nhập vào nước ta từ nhiều nguồn (chủ yếu là các dự án FDI và doanh nghiệp tự mua) có vai trò vô cùng quan trọng. Thực tế 10 năm qua cho thấy vì kém về năng lực này nên chúng ta đã để lọt nhiều công nghệ lạc hậu vào nước ta gây hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, an ninh xã hội như các dự án sản xuất thép, bauxite, xi măng, nhiệt điện”, ông Bình nói.
Tuy nhiên theo ông Bình, các quy định trong dự thảo luật về vấn đề trên vẫn chưa đủ mạnh, thiếu bộ tiêu chuẩn đánh giá công nghệ, thiếu bộ tiêu chuẩn về năng lực của tổ chức đánh giá thẩm định công nghệ và còn thiếu cơ chế kiểm tra chéo để đảm bảo không có khe hở cho những đối tượng vì hám lợi vẫn cố tình lách luật. Do vậy, ông Bình đề nghị bổ sung bộ tiêu chuẩn về công nghệ làm cơ sở cho việc đánh giá, thẩm định và đảm bảo cho việc chuyển giao công nghệ một cách lâu dài, không bị lỗi thời.
Một lưu ý khác được ông Ngô Đức Mạnh chỉ ra là công nghệ vào Việt Nam không chỉ bằng con đường đầu tư mà còn qua vay vốn ODA, ưu đãi tín dụng. Vì khi vay vốn chúng ta thường bị ràng buộc phải sử dụng công nghệ của quốc gia cho vay. Do đó, chúng ta cần phải mở rộng phạm vi điều chỉnh về chuyển giao công nghệ, không chỉ đối với các dự án đầu tư nước ngoài mà còn từ nguồn vốn ODA và các hợp đồng tín dụng khác.