Theo ông Phan Xuân Dũng, khi sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, vấn đề quan trọng là "làm sao để Bộ Khoa học và Công nghệ, những người quản lý can thiệp được vào quá trình chuyển giao công nghệ đặc biệt là công nghệ từ nước ngoài vào".
Thực tế theo ông Dũng, trong các dự án hầu như cơ quan quản lý nhà nước rất khó tiếp cận với công nghệ của các nhà đầu tư. Ông Dũng đơn cử trường hợp của Formorsa: "Họ nói họ là tập đoàn giàu có, tập đoàn công nghệ cao. Nhưng nếu cơ quan quản lý nhà nước và các quy định pháp luật không chặt chẽ thì có thể họ lách ngay, đưa công nghệ không phù hợp vào. Ví dụ chỗ luyện khô, luyện ướt hoặc xử lý nước trước lúc đưa ra khỏi khu vực nhà máy là phải có hồ điều hòa. Nhưng mình làm không kỹ, không kiểm soát được”.
"Luật phải đưa ra quy định chặt chẽ về chuyển giao công nghệ để có thể kiểm tra được, làm sao nước ngoài không lợi dụng kẽ hở để đưa công nghệ lạc hậu vào", ông Phan Xuân Dũng đề nghị.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận, có một số khó khăn khi sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ vì liên quan đến những bộ luật khác như luật đầu tư, mua bán thiết bị, luật giá...
“Trong này có một số nội dung đưa vào bị trùng lắp. Trong quá trình chúng tôi chuẩn bị dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, đã có những công văn chính thức từ một số bộ ngành liên quan đề nghị không đưa một số nội dung vào, đó cũng là một số cái khó khăn”, ông Dũng nói.