Ngăn chặn 'lợi ích nhóm' trong ban hành nghị định, thông tư

0:00 / 0:00
0:00
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: DV
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: DV
TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, bên cạnh các dự án luật, cần ngăn chặn cả “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong khi ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn.

Tại Hội nghị triển khai kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư đều nhấn mạnh yêu cầu chống tiêu cực trong xây dựng pháp luật, không để xảy ra lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”. Là đại biểu Quốc hội trong nhiều khoá, ông chia sẻ gì về điều này?

Cá nhân tôi rất đồng tình với yêu cầu trên của Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư. Cùng chủ trì một hội nghị toàn quốc như vậy, Thường trực Ban Bí thư và Chủ tịch Quốc hội nêu ra tinh thần đó rất đúng. Thực tế trong thời gian qua có chuyện cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích ngành khi làm luật. Ví dụ, nhiều bộ, ngành khi làm luật cũng đều đưa ra những quỹ này, quỹ kia. Nếu ngành nào cũng đưa quỹ vào, có khi sẽ hình thành hàng trăm, hàng nghìn loại quỹ khác nhau. Lúc đó “cái bánh ngân sách” sẽ bị xé nát ra. Chính vì vậy, cần kiên quyết ngăn chặn việc này, không để khi hình thành luật của ngành nào thì cũng lấp lánh lợi ích của ngành đó.

“Bộ, ngành nào cũng đề nghị cần có quỹ cả, đó chính là lợi ích chứ đâu? Phải ngăn chặn ngay từ khi làm luật, đi kèm với đó, cần xây dựng một chương trình toàn khoá sớm hơn, để có tầm nhìn xa hơn, có tính chủ động hơn, và có thể cân đối được giữa các luật trên từng lĩnh vực để chủ động điều chỉnh”.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Vì sao lại có thể xảy ra hiện tượng này, thưa ông?

Tại quốc hội ở các nước, chủ yếu là uỷ ban, hay nghị sĩ trình sáng kiến pháp luật, còn ở ta chủ yếu lại do Chính phủ trình. Khi các bộ, ngành chủ trì soạn thảo rồi trình dự án luật, dù muốn hay không, họ cũng đưa lợi ích của ngành mình vào đó. Chưa nói tới tiêu cực, hay tham nhũng chính sách, ít nhất họ cũng “gài” nội dung có lợi vào trong dự án luật, để thuận lợi hơn trong công tác quản lý, nhưng có khi lại không thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài câu chuyện lợi ích, ông có kiến nghị đề xuất gì để những dự án luật được trình ra Quốc hội đảm bảo chất lượng, sớm được triển khai trong thực tiễn?

Điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh yêu cầu, các dự án luật khi trình ra phải bảo đảm chất lượng, không chấp nhận dự án luật sơ sài, rồi đưa ra biểu quyết, sau đó một thời gian ngắn lại phải sửa. Vấn đề này tôi cũng đã có ý kiến nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội. Để dự án luật thông qua và được triển khai ngay, đi vào cuộc sống ngay, bao giờ khi trình dự án luật cũng phải đi kèm với dự thảo nghị định và thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành.

Quy trình làm luật như vậy sẽ rất đồng bộ, Quốc hội sẽ xem xét luôn cả nghị định, thông tư, không để xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Nếu có điều gì trái với luật, đại biểu Quốc hội sẽ đề nghị sửa đổi ngay. Nếu thực hiện được như thế sẽ rất tốt, thể hiện bước cải tiến mạnh mẽ trong quá trình làm luật. Còn nếu chỉ trình mỗi luật, rồi sau đó cả năm, thậm chí vài năm chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thì luật không đi vào cuộc sống được.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG