Ngẫm về ngày nhà giáo: Giáo viên thì không được nhận hoa và quà?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
“Khi ngành giáo dục “nói không” với quà tặng Ngày Nhà giáo Việt Nam”, đọc cái tít bài báo đăng trên một tờ báo “lớn”, có lẽ ai cũng tưởng đấy là đổi mới chung của ngành giáo dục năm nay. Hoặc, Bộ GD&ĐT đã ra một văn bản có nội dung trên, phổ biến toàn quốc.

Nhưng đọc kỹ, chỉ có 3 địa phương là Khánh Hòa, Quảng Nam, TP.HCM đề nghị giáo viên nói không với hoa và quà của học sinh, phụ huynh; đặc biệt không tiếp khách tại công sở và nhà riêng.

Động thái trên, có thể hiểu nhằm ngăn chặn tình trạng quà cáp bị biến tướng, trở thành động cơ mưu cầu thực dụng, thương mại hóa giáo dục, trở thành gánh nặng cho gia đình phụ huynh và ảnh hưởng xấu tới cả xã hội.

Nhưng, một thực tế cần nhìn thẳng, sau 20/11, liệu ngành giáo dục 3 địa phương trên có dám khẳng định là không có trường hợp nào tặng quà sai quy định? Ai có thể giám sát và… giám sát ai?

Cũng như sau dịp Tết Đinh Dậu 2017, đọc  kết luận thanh tra, cả nước không có trường hợp nào tặng quà Tết sai quy định, nhiều người lại tủm tỉm cười. Bởi, việc tặng quà, nhất là dịp Tết, đã trở thành một truyền thống, biến tướng ở dạng vi tế, kiểm soát được là quá khó.

Trở lại câu chuyện giáo dục, ít nước trên thế giới có quy định cấm phụ huynh, học sinh tặng quà, hoa cho giáo viên, kể cả đến nhà riêng tặng. Vấn đề nằm ở chỗ, văn hóa tặng quà đã đạt ở mức rất cao. Mặt khác là luật định giám sát, xử lý rất nặng các trường hợp tặng quà giá trị quá mức quy định cho phép. Nếu quá mức, giáo viên sẽ phải bỏ tiền túi ra trả, nếu không muốn bị xử lý hình sự.

Ở các nước tiên tiến, ngày giáo dục quốc gia hay Noel, học sinh nếu quý thầy cô nào đó, cũng mua quà, hoặc không có cũng chẳng sao. Nhưng, món quà thường giá trị rất nhỏ, nhiều khi chỉ là bó hoa, mấy quả táo, tấm thiệp, phong chocolate… mang ý nghĩa biểu thị tình cảm là chính. Giáo viên cũng không coi việc được học sinh, phụ huynh tặng quà là phải có trách nhiệm “quan tâm chu đáo”.

Đấy là mối quan hệ hữu cơ, trên cơ sở bình đẳng, định danh rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm đã được xã hội phân công.

Cho nên, cá nhân tôi không nghĩ rằng tặng hoa, quà cho thầy cô nhân ngày 20/11 là xấu, nếu không nói là nhân văn.

Văn hóa tặng quà biến tướng ở mức độ nào còn phụ thuộc vào môi trường giáo dục cùng tiến trình cải cách, đổi mới. Trong bối cảnh chế độ đãi ngộ thấp, đời sống giáo viên bấp bênh, trong khi yếu tố thực lực chưa hẳn quyết định bằng “quan hệ tốt”,  và buộc phải quan hệ, thì thầy cô giữ được phẩm giá như không dạy thêm, không nhận quà và chẳng chạy chọt… là thách thức nghiêm trọng. Nghề nào cũng thế, nếu sống khỏe bằng lương, thưởng, “cả làng đều sạch”, chẳng ai dám mạo hiểm để đánh đổi sự nghiệp bằng mấy cái phong bì hay quà cáp tiêu cực. 

Làm sao một giáo viên mầm non như cô Trương Thị Lan (Hà Tĩnh), cống hiến 37 năm, chỉ nhận được lương hưu 1,3 triệu đồng/ tháng, “có thể sống được”, như lời ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận. Cô Lan đã ngất xỉu, và không phải cô là trường hợp ngoại lệ. Nếu ngành giáo dục biết sử dụng đúng đồng tiền, việc tái cấu trúc những lỗi hệ thống, không phải là quá khó.

Ví dụ như, chưa nên ưu tiên số tiền 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ, cho Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục mà Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo. Cả nước đã có hơn 24.000 tiến sĩ rồi, trong đó có nhiều “tiến sĩ giáo dục”.

Ngày 20/11 năm nay, tôi vẫn sẽ mua mấy bông hoa thật đẹp, cùng hai con đến trường tặng cô giáo, chúc mừng các cô bằng tất cả sự kính trọng lẫn chia sẻ những ẩn ức của sự nghiệp “chèo đò” đang rất gian khổ.

Theo Theo Thể thao Văn Hóa
MỚI - NÓNG