Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế Mitec Malaysia tại thủ đô Kuala Lumpur là một trong những điểm thi đấu chính của SEA Games 29. Toàn bộ toà nhà được thiết kế với ý tưởng là hạt cao su, kết hợp các đường cong trên trang phục truyền thống của Malaysia, nhìn xa tựa một chiếc vỏ sò lớn.
Công trình có diện tích mặt sàn 4.500m2, được xây trên tổng diện tích quy hoạch 170.000m2. Hôm thứ Hai đầu tuần này, chúng tôi đã có dịp tới thăm nơi đây, và thực sự choáng ngợp với quy mô hoành tráng của nó. Trung tâm được thiết kế 3 tầng với không gian mở ra cực đại, mỗi tầng lại chia thành 4,5 đại sảnh khép kín. Một nhân viên an ninh tại đây cho hay, Mitec có thể đón 47.000 khán giả. Một loạt các môn trong chương trình thi đấu tại SEA Games 29 sẽ được tổ chức ở đây, như: đấu kiếm, boxing, Thể dục dụng cụ, muay Thái, bóng chuyền, cử tạ…
Đại sảnh lớn nhất có diện tích tới hàng nghìn m2, bao gồm đầy đủ các công trình phục vụ công năng thi đấu thể thao như sàn đấu, khu phòng thay đồ cho VĐV, HLV, khán đài, đường ven. Điều khiến chúng tôi kinh ngạc hơn là toàn bộ đều được lắp ghép theo cách rất hiện đại, đảm bảo tối đa hiệu năng, lại tiết kiệm chi phí.
Đây chỉ là trung tâm thể thao đứng thứ 2 trong số các địa điểm tổ chức SEA Games 29. Lớn và hiện đại nhất là Bukit Jalil, đã được nước chủ nhà tiến hành cải tạo, sửa chữa lại, cũng với quy mô rất hoành tráng và hiện đại. Việc tận dụng tối đa các cơ sở vật chất thể thao sẵn có để tổ chức SEA Games đã giúp nước chủ nhà Malaysia cắt giảm được tối đa kinh phí. Theo báo cáo, Malaysia chỉ tiêu tốn 105 triệu USD cho công tác tổ chức SEA Games 29, thấp hơn rất nhiều so với kinh phí tổ chức SEA Games 2015 của Singapore, hay 2013 của Myanmar.
Tương tự Malaysia, những phóng viên từng tác nghiệp ở các kỳ SEA Games 2015 (Singapore) hay 2007 (Thái Lan) đều phải trầm trồ thán phục các công trình thể thao phục vụ cho đại hội của nước bạn. Thái Lan thậm chí đưa SEA Games 2007 về tận Nakhon Ratchasima, tổ chức tại các trường đại học, nhưng cơ sở vật chất vẫn “miễn chê”, trong khi khu tổ hợp thể thao quốc gia Singapore (Sport Hub) được đánh giá đẹp nhất Đông Nam Á, có mái vòm tự động phủ kín toàn bộ sân với đường kính 312m, như một kỳ quan kiến trúc.
Rất nhiều quan quan chức thể thao Việt Nam khi qua các nước này đều thừa nhận, bạn đã vượt xa ta rất nhiều, ít nhất ở cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể thao.
Thế nhưng trong suốt một thời gian dài, chúng ta khá thường xuyên sử dụng hai chữ “ao làng” để nói về đại hội thể thao khu vực. Nội hàm hai chữ này đã có phần mang tính miệt thị, coi thường, không chỉ đối với ngày hội khu vực mà vô tình, cả những nỗ lực của HLV, VĐV. Dù không phủ nhận còn những khiếm khuyết, nhưng rõ ràng SEA Games vẫn góp phần thúc đẩy sự phát triển thể thao trong khu vực, buộc các nước phải đầu tư nếu muốn giành thành tích tốt. Cuộc chiến ở SEA Games không hề thiếu sự khốc liệt. VĐV Việt Nam từ điền kinh tới cử tạ, taekwondo, vật…vẫn phải vắt kiệt mồ hôi, thậm chí là máu để đánh đổi lại vinh quang. Những nỗ lực đó rất cần sự thừa nhận.
Trước khi đòi vươn ra thế giới, có lẽ hãy thắng người Thái, người Mã, Singapore… trước, và mỗi chiến thắng đều rất xứng đáng được tưởng thưởng. Thể thao Việt Nam rất cần được xây dựng từ những điều nhỏ, trước khi nghĩ tới kế hoạch lớn lao, nếu không muốn mãi dậm chân, thậm chí tụt hậu ngay tại “ao làng” như chúng ta luôn nhắc tới.