> Tết gia đình Việt: Đồng thuận thay áp đặt
> Kiếm tiền tiêu tết ở nghĩa trang
Chưa có Tết ở ấp nghèo
Từ trung tâm huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) theo con đường quanh co, đi chừng 10 km, tới khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng thuộc ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, một vùng quê rất nghèo. Ấp Phương Thạnh có 570 hộ thì 116 hộ nghèo (20,3%), gần 100 hộ cận nghèo (17,5%) và nhiều hộ khác hoàn cảnh khó khăn.
Cuộc sống của người dân chủ yếu là trồng lúa và mía. Trong tình hình khủng hoảng kinh tế kéo dài, giá mía và lúa thấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Gần Tết nhưng không khí ở quê nghèo vẫn im ắng, buồn bã, nhất là với những hộ không ruộng đất, sống bằng nghề làm thuê. Cha bị mù, thêm bệnh viêm phế quản phải nằm một chỗ, vợ chồng anh Đinh Ngọc Nga làm quần quật quanh năm nhưng gần Tết vẫn không dư được đồng nào. Càng gần Tết lại càng ít việc vì không còn mấy người thuê đánh lá mía, làm cỏ, cắt lúa.
“Ngày thường thì người ta còn kêu làm mướn, kiếm được chút đỉnh tiền gạo hằng ngày, gần Tết không có ai thuê, trong nhà không đồng xu dính túi, không biết lấy gì để sống trong khi chủ nợ lại đòi liên tục”, anh Nga thẫn thờ.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Cứ và chị Nguyễn Ngọc Giàu có 2 con, ngôi nhà lá lụp xụp chưa có màu sắc gì của không khí Tết. Anh Cứ buồn bã: “Gần Tết, chỉ mong có việc làm thuê để mua bộ đồ mới cho con. Mình nghèo cũng chẳng ai dám đến nhà, nên chẳng nghĩ gì tới Tết”.
Láng giềng của anh Cứ, chị Nguyễn Thị Bay cũng rất nghèo, nói: “Gạo không có ăn, trong khi con mắc bệnh tim, không có tiền đưa con đi bệnh viện nữa thì nghĩ gì đến Tết”. Nhắc đến Tết, bà Huỳnh Thị Năm, 78 tuổi, bị tai biến liệt nửa người đã 4 năm, than thở: “Bữa ăn lo chưa xong nên chẳng dám nghĩ đến Tết. Chỉ nấu mâm cơm cúng ông bà là xong”.
Quê nghèo nên chợ cũng lèo tèo, hàng tết bày bán không nhiều. Các con đường vắng vẻ, đìu hiu. Ông Trần Minh Phụng, Trưởng ấp Phương Thạnh, nói: “Năm nay đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Giá nông sản bấp bênh nên thu nhập của nông dân giảm. Người dân chưa cảm nhận được Tết”.
TPHCM: Những người không có Tết
Trong lúc phố phường, vạn vật đang ngập tràn sắc xuân thì Hải (15 tuổi) và đám bạn của nó vẫn lầm lũi ghé vào những quán cóc bên đường để nài nỉ thực khách đánh từng đôi giày.
Hải cho biết nhóm của mình có 8 đứa trẻ, từ 12 - 15 tuổi. Ban đầu, chỉ có Hải, Dũng, Cường quê ở Nam Định, sau tiếp nhận thêm Lân, Tuấn ở Thanh Hóa rồi Khánh, Kiên, Tùng ở Nghệ An, Đà Nẵng và Quảng Trị.
Để tránh đụng độ với những nhóm trẻ đánh giày khác, nhóm của Hải chọn những tuyến đường vắng ở Gò Vấp và Bình Thạnh để mưu sinh.
Lũ trẻ thuê một căn phòng xập xệ khoảng 20 m2 trong khu Sở Thùng (phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM) với giá 500 nghìn đồng/tháng. Ngoài chiếc quạt điện, mấy manh chiếu, ít quần áo cũ phơi trên dây và đống túi xách, đồ nghề để bừa bộn trong góc, phòng trọ trống không, chẳng có tài sản nào có giá trị.
“Tụi em đi làm cả ngày, ăn cơm bụi ngoài đường, tối mới về ngủ. Mấy hôm nay, tụi em tăng cường làm việc, có hôm 1-2 giờ khuya mới về đến nhà, mệt thở không nổi. Thôi thì ráng tranh thủ làm thêm mấy ngày Tết, kiếm ít tiền ra giêng đón xe về quê. Ở Sài Gòn không người thân, họ hàng, có nghỉ làm đi chơi Tết như người ta thì cũng buồn lắm. Rất may, bác chủ nhà là người tử tế. Cách đây mấy hôm, bác làm tiệc tất niên, có để phần một ít đồ ăn, bánh kẹo cho tụi em” - Kiên, một trẻ trong nhóm đánh giày tâm sự.
Cách phòng trọ của đám trẻ đánh giày ba dãy nhà là nơi ở của gần chục người bán vé số “tứ cố vô thân”. Họ đều lớn tuổi, từ nhiều tỉnh nghèo về Sài Gòn mưu sinh rồi được chủ đại lý vé số B.N (chợ Gò Vấp) tiếp nhận, bao ăn, ở để bán vé số dạo.
Ngày thường cũng như ngày Tết, mỗi người phải cầm xấp vé số đi bộ ròng rã 30 - 40 cây số khắp thành phố để chào mời mọi người mua ủng hộ.
Bà Dương Thị Thu (75 tuổi, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết nếu được chủ đại lý vé số tiếp nhận, bao ăn ở, tiền hoa hồng kiếm được tuy thấp hơn nhưng bù lại những lúc đau ốm không đi bán được, người bán vé số dạo không lo bị đói, thiếu tiền thuốc thang chạy chữa. Vì vậy, những người lớn tuổi thường chọn cách này.
“Ngoài quê không còn ai thân thích, có về cũng chẳng biết ăn Tết với ai. Thôi thì mấy bạn già bán vé số, tối ba mươi nhâm nhi miếng bánh tét chờ giao thừa cũng vui lắm rồi” - bà Thu móm mém cười.
Không dám nghĩ tới Tết
Chị Phạm Thị Sâm trong Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. |
Chị Phạm Thị Sâm đang nằm trong Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, lo lắng không biết có sống được qua Tết này hay không. Chị nhập viện cách nay hơn hai tuần khi bị đột quỵ do bệnh tim.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn ở Khoa nội tim mạch cho biết: “Bệnh chị Sâm rất nặng, hở van tim hai lá, suy tim, tăng áp phổi. Phải phẫu thuật gấp mới bảo đảm tính mạng”. Ca phẫu thuật tốn gần trăm triệu đồng, trong khi gia đình chị nhờ hàng xóm mới có được mấy triệu đồng đưa chị lên bệnh viện.
Cuộc sống của gia đình chị Sâm nhờ vào chồng chạy xe ôm, còn chị chèo đò, chỉ đủ đắp đổi qua ngày và nuôi hai con ăn học ở ấp Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu (Châu Thành, Hậu Giang). Cách nay 10 năm chị được phát hiện bị bệnh tim nhưng không có tiền chữa.
Bệnh của chị càng trầm trọng do 3 năm nay phải sống dưới gầm cầu chữ Y ở thị trấn Ngã Sáu, khi 5 công ruộng bán hết. Con trai lớn là Nguyễn Vũ Luân đang học lớp 10 đã phải nghỉ học để lên TP Hồ Chí Minh phục vụ nhà hàng kiếm tiền gửi về cho mẹ trị bệnh, còn con út Nguyễn Thị Huỳnh Như đang học lớp 4 trường tiểu học Ngô Hữu Hạnh 1, thị trấn Ngã Sáu, phải gửi nhờ người cô chăm sóc.
PV Tiền Phong tìm về cái túp lều dưới gầm cầu chữ Y, rộng chừng 20m2 che bởi mấy tấm tôn, bên trong chỉ có bàn thờ cha mẹ và cái vạt tre để ngủ. Chồng chị Sâm là anh Nguyễn Văn Thắm kể, vào những tháng nước nổi, trong nhà nước ngập tới đầu gối. “Năm nay, gia đình tôi không dám nghĩ tới Tết”, anh Thắm nghẹn ngào.
Không dám nghĩ tới Tết cũng là tâm sự của anh Bùi Văn Lẹ quê ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) nhưng đang chờ lọc máu vì bệnh suy thận ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.
Anh Lẹ đã có 5 năm đón Tết trong bệnh viện. Vợ anh là chị Phạm Thị Khoa kể, khi vợ chồng còn khoẻ mạnh thì chuẩn bị Tết cũng ấm cúng nhưng từ khi chồng bị bệnh, đã phải bán hết nhà cửa ruộng đất, hai đứa con gửi nhờ nội và ngoại nuôi.
Hầu hết thời gian trong năm, vợ chồng anh chị ở bệnh viện, thời gian ngắn được về quê thì ở ké vào nội hoặc ngoại. “Lúc này, chúng tôi chỉ mong được lọc máu xong trước đêm Giao thừa”, chị Khoa nghẹn ngào.
Tại Bệnh viện Lao phổi 30-4 tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Đức đang nằm co ro trên giường bệnh, trùm mền kín mít vì bị sốt cao. Năm nay 80 tuổi, ở xã An Mỹ (Kế Sách, Sóc Trăng), ông Đức bị bệnh lao phổi, nhập viện một tuần nay.
Gia đình ông rất khó khăn, nhà không ruộng đất, phải làm thuê để sống qua ngày. Con trai của ông là anh Nguyễn Hữu Thông buồn bã nói: “Tôi phải ở đây nuôi cha, không đi làm thuê được nên Tết này coi như không có”.
Ông Nguyễn Văn Mùi, 68 tuổi, xã Thiện Mỹ (Châu Thành, Sóc Trăng) nhập viện hai tuần do bệnh hen phế quản. Nhà nghèo, không ruộng đất, hai vợ chồng già sống làm thuê làm mướn, ngậm ngùi nói: “Gần Tết, nhà không có ai, muốn được về nhà cúng ông bà nhưng bệnh thế này đành chịu”.