Tôi tìm về nhà tướng Man trong buổi chiều 15/10, trời mưa nặng hạt, báo hiệu thêm một đợt áp thấp nhiệt đới nữa sắp đổ bộ Quảng Bình. Nếu không có người của UBND phường Nam Lý dẫn đường, mình tôi khó có thể tìm được nhà. Vách nhà của gia đình ông kề sát đường sắt Bắc- Nam, trong một con hẻm nhỏ sâu hun hút thuộc khu phố 1, tổ dân phố 9, phường Nam Lý, TP Đồng Hới.
Người vợ tảo tần
Ngôi nhà 2 tầng vừa mới được sơn sửa lại vắng bóng vợ con tướng Man, vì tất cả đã vào Huế để chờ tin tức của chồng, của cha. Người anh trai cả của tướng Man ngồi ở bộ bàn ghế đặt ở góc sân cùng rất đông hàng xóm, láng giềng. Ông trông thất thần, đôi mắt ngấn lệ.
Tên đầy đủ của tướng Man là Nguyễn Văn Man, sinh năm 1965, là con út trong gia đình có 6 anh em. Cha mẹ nghèo, trong gia đình chỉ có ông Man được học hành đến nơi, đến chốn, còn các anh chị chỉ buôn bán nhỏ, kiếm sống qua ngày. Năm 1989, sau khi tốt nghiệp trường Sỹ quan lục quân 2, ông được điều động nhận công tác tại Sư đoàn 2, Quân khu 5. Năm 2006, ông được điều động về nhận công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình. Tháng 3/2015, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh… Tháng 6/2019, ông trở thành Phó Tư lệnh Quân khu 4 và được phong hàm thiếu tướng.
Là con út trong nhà, tướng Man được cha mẹ ưu tiên ở đất hương hỏa của ông bà để lại. Như một định mệnh, sau bao năm bôn ba, vậy mà ông lại phải lòng cô gái hàng xóm và nên vợ nên chồng. Lấy ông, bà Trần Thị Quảng Bình đã hi sinh tất cả, ở nhà chăm mẹ chồng già và nuôi các con nhỏ để ông Man toàn tâm, toàn ý cho binh nghiệp. Những người hàng xóm kể rằng, bà Bình chịu thương, chịu khó, hiếu thảo, yêu chồng, thương con. Tướng Man suốt ngày xa nhà, bà Bình một mình chăm mẹ già và 3 con nhỏ.Ngày trước bà Bình còn không biết đi xe máy, chiếc xe đạp lọc cọc hết ra chợ, đón con, vào bệnh viện nuôi mẹ chồng… thăm thẳm như vậy suốt nhiều năm.
“Nghe tin chồng gặp nạn không còn hi vọng sống, nhưng mấy ngày qua chị ấy phải gắng gượng để lo cho gia đình, làm chỗ dựa cho các con. Đặc biệt, chị ấy đã phải nuốt đau thương vào trong để mẹ già năm nay đã hơn 90 tuổi không phát hiện điều bất thường trong gia đình. Sáng nay chị và các con vào Huế, nhưng phải nói dối với mẹ già là đi chơi, để đưa bà về gửi ở nhà bác cả” - bà Mai, hàng xóm của tướng Man kể.
Mẹ già ngồi cửa ngóng con
Chúng tôi đang trò chuyện với gia đình, thì lực lượng cứu hộ báo về cho gia đình tướng Man rằng đã tìm thấy 6 thi thể nhưng không thông báo danh tính. Ông Nguyễn Văn Khâm, anh cả của tướng Man lo lắng, sợ đất đá làm biến dạng khó nhận diện. Một người hàng xóm trấn an: “Bác yên tâm, có quân hàm, quân hiệu họ nhìn vào là biết ngay ấy mà. Còn nếu mất hết thì bác Man nhà mình cũng dễ tìm, vì bác ấy mất một đốt tay giữa từ lâu”. Nghe đến đây, ông Khâm như bừng tỉnh. Ông đứng lên, xin phép về nhà với mẹ già đang ở một mình.
Chúng tôi trở lại nhà tướng Man vào sáng 16/10, khi việc tìm kiếm đã kết thúc, danh tính của 13 cán bộ, chiến sỹ cũng đã được công bố. Hôm nay, ngoài hàng xóm của tướng Man, còn có rất đông dân quân và cán bộ chiến sỹ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình. Họ đến để quét dọn nhà cửa, dọn dẹp khu đất trống phía trước để đón thi hài tướng Man về nhà sau lễ truy điệu ở Huế. Một không khí u buồn bao trùm khu phố nhỏ.
Một người đàn ông luống tuổi, mặc quân phục, không đeo quân hàm nhưng có lẽ là chỉ huy ở đây kể thêm một câu chuyện về gia cảnh của tướng Man. Vợ chồng tướng Man có 3 người con, 2 gái đầu và cậu con trai út. Con gái đầu lòng đang học đại học, con gái thứ hai đang học cấp ba và cậu con trai út đang học lớp 8. “Cháu gái thứ hai sinh ra bình thường, nhưng sau này không hiểu bị bệnh gì mà bị điếc một tai. Gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng các bác sỹ nói bó tay. Có lẽ vì thế mà vợ chồng anh Man cố sinh thêm cháu thứ ba”, vị chỉ huy này nói.
Một cậu chiến sỹ trẻ cho biết, bác Khâm vừa chạy về nhà vì mẹ già cứ đòi quay trở lại nhà tướng Man. Tôi hỏi đường về nhà ông Khâm. Ngôi nhà nhỏ phía trước đặt chiếc bảng hiệu nhỏ “cháo sáng”. Những người hàng xóm ở đây cho biết, gia đình ông Khâm sống nhờ vào việc bán cháo từ nhiều năm nay. Vì nằm trong con hẻm, nên khách ăn không nhiều, có lẽ cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Ở khoảnh sân, bàn ghế vẫn được bày biện bình thường, có lẽ mấy ngày hôm nay, mặc dù nhận hung tin của người em trai nhưng nhà ông Khâm vẫn bán hàng.
Nhà vắng tanh, chỉ thấy một bà cụ già đang ngồi ở bậu cửa nhìn ra. Đoán đây là mẹ tướng Man, tôi hỏi bà ăn sáng chưa, bà nói chưa, không hiểu sao mấy hôm nay nóng ruột không ăn được. Nghe tiếng người lạ, ông Khâm từ sau nhà hớt hải chạy ra. Thấy tôi, ông luống cuống, hình như ông sợ tôi lỡ lời để lộ thông tin cho bà biết. Ông đến gần bên tôi, ghé vào tai: “Chú đừng nói gì nhé, bà mà biết thì bà chịu không nổi đâu. Cả nhà đang giấu”.
Ông quay lại bảo bà vào trong nhà, bà không chịu, cứ nằng nặc “cho tau về nhà thằng Man”. Có lẽ linh cảm của người mẹ đã mách bảo cho bà điều gì đó không tốt về con mình, mặc dù không ai nói với bà?
Đại tá Lê Văn Vỹ, người kế nhiệm chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình từ tướng Man chia sẻ: Ông Man là một thủ trưởng luôn xông xáo, luôn đi đầu trong mọi khó khăn, luôn “đồng cam cộng khổ” sẻ chia gian khó cùng đồng đội, cùng người dân. Trong những năm công tác tại Quảng Bình ông luôn có mặt kịp thời ở tuyến đầu, ở nơi nhân dân cần sự trợ giúp để vượt qua thiên tai khắc nghiệt.