Các đại biểu nhấn nút khởi động cuộc thi.
Phát biểu tại lễ khai mạc, anh Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, với mong muốn đưa những kiến thức bổ ích về lịch sử, văn hoá dân tộc bằng những công cụ hiện đại, phù hợp với tâm lý, sở thích của các bạn học sinh THPT, TTGDTX, năm 2015, T.Ư Đoàn và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ I. Sân chơi quy mô toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức đã tạo được tiếng vang lớn trong xã hội, nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn học sinh và thầy cô giáo cũng như phụ huynh học sinh. Sức hút của cuộc thi được thể hiện ở những con số ấn tượng như: 310.850 học sinh dự thi phần thi kiến thức đến từ 2.621 trường, 458 video clip dự thi của 227 trường. “Đó là dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ một cách mạnh mẽ rằng, giới trẻ không hề quay lưng với sử Việt. Vấn đề đặt ra là cần đa dạng, sáng tạo, thiết kế các hoạt động xuất phát từ nhu cầu, phù hợp với sở thích của các bạn học sinh. Và rộng hơn nữa, nếu biết tạo môi trường phù hợp, chính các bạn học sinh cũng sẽ là người trực tiếp tham gia để sáng tạo những công cụ, hoạt động góp phần tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa dân tộc đến với đông đảo nhân dân”, anh Nguyễn Minh Triết khẳng định.
Tiếp nối thành công đó, năm 2017, T.Ư Đoàn và Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức cuộc thi với quy mô rộng mở, cách làm có nhiều sáng tạo, hấp dẫn giới trẻ. Nội dung cuộc thi gồm những kiến thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam đã được dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông; các cột mốc lịch sử quan trọng của đất nước; các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ, những người Việt Nam tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực, qua các thời kỳ; thành tựu trên các lĩnh vực của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Hấp dẫn, kiến thức phong phú
Cuộc thi “Tự hào Việt Nam” lần 2, năm 2017, diễn ra từ ngày 8/10 - 3/12/2017, gồm hai phần: Thi trực tuyến cá nhân và sáng tác video clip.
Ở phần thi trực tuyến cá nhân, các bạn học sinh đăng ký tham gia thi trực tuyến tại địa chỉ website: http://www.tuhaovietnam.com.vn. Mỗi thí sinh sẽ trải qua 4 phần thi: Theo dòng lịch sử, Giải mã lịch sử, Danh nhân đất Việt, Tự hào Việt Nam. Mỗi tuần thi, mỗi thí sinh có tối đa 3 lần thực hiện bài thi. Kết thúc vòng thi cấp tỉnh, thành phố, tối đa 65 thí sinh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố sẽ được tham gia vòng chung kết toàn quốc.
Phần thi sáng tác video clip, bắt đầu từ ngày 22/9 - 12/11/2017. 5 video clip được bình chọn nhiều nhất trên website của cuộc thi và 10 video clip do Hội đồng Giám khảo lựa chọn sẽ vào vòng chung khảo. Đơn vị đồng hành là Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, cố vấn cuộc thi, cho rằng, cuộc thi “Tự hào Việt Nam” là một trong những cách làm hay, sáng tạo trong việc học và thi lịch sử thu hút học sinh tham gia một cách tự nguyện, đầy hào hứng. Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, với ngân hàng câu hỏi phong phú, cách thức thi trực tuyến với phần mềm gần gũi, hấp dẫn phù hợp với giới trẻ, những kiến thức tưởng chừng như khô khan, “khó nhằn” về lịch sử sẽ được chuyển tải một cách sinh động. Qua đó, giúp các em học sinh học sử, hiểu sử Việt một cách rộng mở, sâu sắc.
Mặc dù mới biết đến cuộc thi được mấy ngày nhưng Ngô Hồng Thái Đức, học sinh lớp 10A6, trường THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa (Hà Nội) tỏ ra rất tự tin. Thái Đức hào hứng cho biết, do cuộc thi tổ chức trực tuyến trên máy tính với hình thức ngắn gọn, hấp dẫn nên Đức cảm thấy như vừa chơi, vừa tìm hiểu kiến thức.
Lần đầu tiên tham gia cuộc thi “Tự hào Việt Nam”, em Hà Lệ Dung, học sinh lớp 10A5, trường THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa, Hà Nội không khỏi hồi hộp lo lắng. Tuy vậy, Dung chia sẻ sẽ quyết tâm để bước vào vòng trong của cuộc thi để đạt giải cao. Môn học lịch sử là môn học yêu thích của Dung. Ngoài việc đọc những tài liệu lịch sử, lúc rảnh rỗi, Dung đến các bảo tàng lịch sử để tìm hiểu. “Học lịch sử, em thấy rất tự hào về thế hệ cha anh ta ngày xưa rất mưu trí, thông minh và đoàn kết; lúc nào cũng trong tinh thần xả thân, hy sinh vì Tổ quốc. Học sử, hiểu sử Việt, em thấy vô cùng tự hào về thế hệ cha anh đi trước, về truyền thống dân tộc. Thế hệ trẻ bọn em cũng cần học tinh thần xả thân, cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp”, Lệ Dung chia sẻ.