Ngại bị gọi tên tham nhũng

Ngại bị gọi tên tham nhũng
TP - Tuần qua, cuộc họp báo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố kết quả cuộc khảo sát xã hội học về tham nhũng từ góc nhìn người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, cho thấy bốn ngành, lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất tại Việt Nam là cảnh sát giao thông (CSGT), quản lý đất đai, hải quan và xây dựng.

> Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng
> Nhiều điểm mới trong Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi

Dù chỉ là kết quả điều tra xã hội học, không nhằm vào cá nhân nào, nhưng thông tin trên đã khiến nhiều quan chức tỏ ra e ngại.

Ngay tại cuộc họp báo, tuy là đơn vị chủ trì cuộc điều tra nhưng Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng khá thận trọng khi lưu ý các nhà báo rằng, kết quả khảo sát lần này không phải là ý kiến đánh giá của cơ quan nhà nước.

Dù ông Lượng cũng thừa nhận, kết quả này rất có ý nghĩa tham khảo và phục vụ công tác nghiên cứu nhằm hướng tới mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.

Còn trong cuộc giao lưu trực tuyến với Báo CAND điện tử, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT nói: “Nói đến CSGT, theo tôi, tiêu cực vẫn còn. Nhưng chỉ dừng lại ở tiêu cực chứ đặt vấn đề tham nhũng hay là trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao theo tôi cần có nghiên cứu thấu đáo hơn. Ngay tác giả báo cáo điều tra xã hội học này cũng cho rằng kết quả chỉ mang tính tham khảo không phản ánh thực tiễn”.

Vậy thế nào mới được gọi là tham nhũng? Theo Luật phòng chống tham nhũng năm 2005, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Còn theo định nghĩa của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân.

Theo pháp luật hình sự Việt Nam hay pháp luật phòng chống tham nhũng, công chức lợi dụng chức vụ để nhận tiền của người dân, dù ít hay nhiều thì đều được gọi là hành vi tham nhũng, nhất là với những công chức mà hành vi nhận tiền đó được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Sau bảy năm, kể từ năm 2005, khi Ban Nội chính Trung ương chủ trì việc khảo sát và công bố kết quả khảo sát về tham nhũng, mới có thêm lần khảo sát mới. Nên nhiều ngành, lĩnh vực bị nêu tên có vẻ không vui.

Dù khi đi xin việc, hoặc chuyển ngành, công chức thường tìm mọi cách để xin vào vị trí, ngành “hot” dễ kiếm tiền.

Xem ra, những cuộc điều tra, khảo sát về tình trạng tham nhũng cần được làm và công bố hằng năm, ít nhiều cũng có tác dụng đối với việc phòng chống tham nhũng nói chung.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG