Trong một bước đi hiếm thấy, Bắc Kinh và Mátxcơva đề xuất cuộc họp ngày 22/8 của hội đồng gồm 15 thành viên thảo luận “tuyên bố của các quan chức Mỹ về kế hoạch phát triển và triển khai tên lửa tầm trung” sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Phó Tổng thư ký LHQ kiêm đại diện cấp cao về các vấn đề giải giáp vũ khí Izumi Nakamitsu sẽ cung cấp thông tin về cuộc thảo luận này, sau khi Mỹ vừa thử tên lửa hành trình tầm trung vào cuối tuần qua. Đây là vụ thử đầu tiên một loại vũ khí như vậy sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước ký với Liên Xô năm 1987.
Đối với Trung Quốc và Nga, vụ thử này là bước đi mới nhất trong hàng loạt hành động khiêu khích của Mỹ. Washington gần đây cũng nói đến chuyện đưa tên lửa mới đến châu Á-Thái Bình Dương.
Các nhà quan sát cho rằng hiếm khi Nga và Trung Quốc công khai tấn công Mỹ, vì
cả ba đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Và bước đi này là nhằm gửi tín hiệu đến các nước khác, đặc biệt ở châu Á, rằng họ chớ nên tiếp nhận tên lửa mới của Mỹ.
“Điều Washington vừa làm là cú đánh tàn phá đối với một trong những trụ cột cuối cùng của cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế, sẽ phá vỡ cân bằng quyền lực quân sự Nga - Trung - Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh và chắc chắn dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang nữa”, ông Yue Gang, một sĩ quan nghỉ hưu Trung Quốc, nói với báo SCMP.
Ông Yue và các nhà phân tích Trung Quốc khác nói rằng Bắc Kinh và Mátxcơva được kéo lại gần nhau khi đều bị Washington coi là mối đe doạ hàng đầu và là đối thủ đối với vị trí thống trị của Mỹ.
Trên bề mặt, lý do chính dẫn đến việc Mỹ rút khỏi INF là cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Nhưng sâu xa hơn, giới chuyên gia cho rằng động lực và mục tiêu chính của Washington là Bắc Kinh, vì Trung Quốc không phải thành viên của hiệp ước, trong khi đang tiếp tục phát triển kho tên lửa đồ sộ của mình.
Washington tỏ ra ít hứng thú với việc tham gia bất kỳ thoả thuận kiểm soát vũ khí nào với Nga nếu Trung Quốc không tham gia. Còn Trung Quốc đã thẳng thừng gạt bỏ ý tưởng này.