Trang tin này cho rằng, Trung Quốc có câu nói “đừng nên phô trương sự giàu có”. Câu nói này rất ứng với tình hình địa chính trị và đặc biệt là đối với tổ hợp công nghiệp quân sự của một nước mà cần “một con át chủ bài trong tay” để có thể sử dụng trong những thời điểm quyết định. Tuy nhiên, Nga không làm được điều này và đã phô trương cả 5 con át chủ bài của mình trong khi Tổng thống Nga đọc Thông điệp Liên bang vào ngày 1/3/2018.
Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Putin đã công bố về việc trang bị các hệ thống siêu âm và hạt nhân tương lai như: Tổ hợp hàng không Kinzhal, Poseidon, tên lửa liên lục địa Sarmat, các tên lửa hành trình với động cơ hạt nhân và các tàu ngầm không người lái có khả năng lặn sâu dưới biển.
Sự xuất hiện thông tin về “vũ khí chết người” mới của Nga đã khiến nhiều người kinh ngạc bởi Moscow đang có trong tay công nghệ sản xuất tên lửa có thể bay nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh và còn có thể cơ động khi đang bay. Kết quả là các vũ khí Patriot, Aegis, THAAD của Mỹ đang trực phòng không trên khắp thế giới đã trở thành đống giấy bồi.
Sau đó Nga đã chứng minh rằng có thể phô diễn công nghệ của mình không chỉ trình bày bằng hình ảnh mà còn công bố những video hoạt động thử nghiệm các hệ thống vũ khí đó. Tiếp đó, truyền thông nước ngoài bắt đầu cường điệu hóa, các nhà báo thì nỗ lực dựng lên hình ảnh vũ khí siêu thanh của Trung Quốc và Nga nguy hiểm tới mức nào.
Thậm chí Lầu Năm Góc cũng phải lo ngại. Bởi, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, tướng John Hayten phải thừa nhận rằng, Mỹ không có khả năng đánh trả các cuộc tấn công của các hệ thống tấn công siêu thanh.
Theo truyền thông Trung Quốc, trong những phát ngôn của giới quân sự Mỹ còn có những ẩn ý. Thực chất, họ đặc biệt nói về sự dễ bị tổn thương của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, mặc cho chính họ cũng đang chế tạo vũ khí siêu thanh. Và những phát ngôn kiểu đó cũng có những động cơ thầm kín.
Theo tác giả của trang tin Trung Quốc này, bằng những phát ngôn về sự yếu kém của hệ thống phòng thủ Mỹ trước tên lửa Nga và Trung Quốc, các nhà quân sự Mỹ muốn tăng ngân sách dành cho chế tạo vũ khí tấn công của mình. Và khi chiến thuật này có hiệu lực, Công ty Lockheed Martin của Mỹ đã nhận được một hợp đồng vũ khí trị giá 1 tỷ USD.
Tất cả các phương tiện tài chính sẽ được dành cho nghiên cứu công nghệ siêu thanh. Tuy nhiên, người Mỹ đã hành xử một cách khéo léo hơn và ngoài việc bắt đầu chế tạo thì đã tìm cách “mượn” thẳng tài liệu từ Nga - một cách làm đầy triển vọng, đơn giản và hiệu quả hơn.
Tác giả của trang tin đi đến kết luận dựa trên cơ sở các thông tin về vụ scandal liên quan tới rò rỉ thông tin bí mật của hãng Roscosmos/Nga và việc bắt giam nhân viên của Viện Nghiên cứu khoa học chế tạo máy trung ương, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, ông Victor Kudryavtsev. Có những cơ sở để dự đoán rằng, nhà khoa học này, trước đó từng nghiên cứu tổ hợp Kinzhal, đã chuyển giao cho các điệp viên nước ngoài thông tin về công trình tên lửa siêu thanh của Nga.
Thành trì nước Nga đã bị đánh từ bên trong, hãng tin Trung Quốc khẳng định. Cho dù các bản vẽ không được chuyển giao, thì những công nghệ cốt yếu cũng đã nhanh chóng rơi vào tay của phương Tây. Hiện gia các nước NATO có thể tiến hành nghiên cứu và làm rõ các điểm yếu của tên lửa này, nhưng vấn đề đề quan trọng nhất đó là hiệu ứng đe dọa của chúng đã giảm đi một nửa.